Khai thác nhưng không thực hiện đầy đủ các quy định Theo thống kê của UBND thành phố Tam Điệp, hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng số 43 mỏ, trong đó có 18 mỏ đá xây dựng, 16 mỏ đất đá hỗn hợp, vật liệu san lấp, 2 mỏ đất sét làm gạch nung, 4 mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và 3 mỏ sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Các mỏ này nằm rải rác ở hầu hết các xã, phường, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở 2 xã Đông Sơn và Quang Sơn.
Trong quá trình khai thác khoáng sản, nhìn chung các doanh nghiệp chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật như khai thác theo giấy phép được cấp, khai thác trong diện tích được thuê; thực hiện giám sát môi trường định kỳ; kê khai nộp thuế, phí...
Tuy nhiên, thực tế hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Báo cáo của UBND thành phố Tam Điệp tại buổi làm việc với Đoàn công tác của UBND tỉnh về công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn vào đầu tháng 6 vừa qua đã nêu rõ: Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn thành phố còn gặp khó khăn, vướng mắc, có những hạn chế và có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.
Cụ thể: Hầu hết số mỏ được cấp phép khai thác đều gần khu dân cư, trong quá trình hoạt động chưa đảm bảo được hành lang an toàn khai thác theo quy định của Bộ Công thương; việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong quá trình khai thác gây tiếng nổ to, ảnh hưởng đến hoa màu, cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Vì vậy, cử tri xung quanh các mỏ này thường xuyên có ý kiến, kiến nghị về hoạt động nổ mìn khai thác của doanh nghiệp như: Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường khai thác mỏ đá núi Voi Trong, xã Đông Sơn; Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương khai thác mỏ đá vôi Hang Nước II, xã Quang Sơn…
Một số doanh nghiệp khác trong quá trình khai thác đã làm mất mốc giới hoặc khai thác vượt phạm vi, diện tích, giới hạn, khu vực được cấp phép, xâm phạm đến tài nguyên rừng, gây mất cảnh quan thiên nhiên. Có những doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng thiết kế mỏ, quá trình khai thác còn để lại đá treo trên sườn tầng, nhiều vách dốc đứng, tạo hàm ếch, tiềm ẩn nguy cơ sụt lở, mất an toàn.
Một số doanh nghiệp chưa thực hiện triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường, còn để tình trạng bụi tại khu vực sản xuất, đất đá rơi vãi trên đường vận chuyển, quan trắc, giám sát môi trường không đúng tần suất theo quy định…Có doanh nghiệp hoạt động khai thác không thường xuyên hoặc khai thác nhỏ lẻ, hoạt động theo kiểu mùa vụ, vốn đầu tư ít, không duy trì được các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn còn nhiều mỏ có tình trạng chậm chễ trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản và các thủ tục pháp lý có liên quan (thủ tục thuê đất, ký hợp đồng thuê đất…) hoặc có hiện tượng mỏ đã được cấp giấy phép khai thác nhưng không tổ chức hoạt động khai thác dù đã được cơ quan quản lý nhà nước đôn đốc, nhắc nhở.
Bên cạnh đó, có mỏ như Mỏ đá núi Ngà, phường Nam Sơn của Công ty TNHH MTV Việt Thắng; mỏ đá núi Mai xã Đông Sơn của Công ty cổ phần đá Đồng Giao đã hết hiệu lực thời hạn khai thác nhưng không thực hiện việc lập Đề án đóng cửa mỏ, Đề án cải tạo phục hồi môi tường khai thác và bàn giao địa bàn sau khai thác.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn chậm chễ, chây ì, nợ đọng trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế, phí bảo vệ môi trường với địa phương.
Cần những giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý
Trước những tồn tại, phức tạp trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong năm 2016, UBND thành phố Tam Điệp đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khai thác có liên quan trong hoạt động khai thác khoáng sản của 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố.
6 tháng đầu năm nay, UBND thành phố cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra việc khai thác mỏ của các doanh nghiệp tại khu vực núi Lòng Lan, thôn 1, xã Đông Sơn; kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng Xuân Học. Sau khi kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm và tiến hành xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này với số tiền 110 triệu đồng.
Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với Đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra việc sử dụng đất, thực hiện các quy định của Nhà nước về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Tuấn, khai thác mỏ đất đồi tại khu vực phía đông hồ Trại Vòng xã Quang Sơn và Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thành Đạt khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại Sòng Cầu xã Yên Sơn.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, những hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt nêu trên chưa đủ sức răn đe và hầu hết các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đều đã và đang có vi phạm các quy định ở những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, việc để doanh nghiệp tự kê khai sản lượng nộp thuế, phí như hiện nay rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch trong kê khai trữ lượng và đóng thuế cho nhà nước.
Do vậy, thời gian tới, để các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với địa phương để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Các nhóm giải pháp cụ thể như: Tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản đến mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Hướng dẫn lập thủ tục, thẩm định cho các tổ chức, cá nhân có đề nghị tham gia hoạt động khoáng sản trình UBND tỉnh cấp phép quy hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & PTNT và các sở, ngành có liên quan ở tỉnh hàng năm, định kỳ hoặc đột xuất chủ trì phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Các cơ quan chuyên môn cũng cần tiến hành đánh giá, xác định lại sản lượng khai thác xem doanh nghiệp có kê khai đúng, đủ hay không.
Sau đó, kiên quyết xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động khoáng sản; đình chỉ hoạt động, đề xuất thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chậm chễ trong việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ pháp lý trong khai thác mỏ; thực hiện không đầy đủ, chậm chễ, chây ì, nợ đọng thuế; có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho nhân dân và xã hội.
Rà soát những doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động khoáng sản về quá trình triển khai dự án, phân loại doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề ra biện pháp hữu hiệu trong công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản.
Đối với các dự án không triển khai, hoặc triển khai chậm sẽ có biện pháp xử lý thích hợp. Đầu tư kinh phí cho công tác điều tra cơ bản địa chất, tài nguyên khoáng sản; công tác nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phòng, chống và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý tại các địa phương, nhất là cấp huyện và cấp xã.
Hà Phương