Thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội... là điều dễ nhận thấy nhất ở Tam Điệp. Việc bố trí 9/9 Chủ tịch UBND các xã, phường tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố; dành hơn 900 m2 đất, trị giá hàng tỷ đồng xây dựng Trụ sở Phòng giao dịch; UBND các xã, phường quan tâm bố trí Điểm giao dịch xã trong khuôn viên UBND cấp xã đảm bảo an ninh, an toàn, thuận tiện cho người dân đến giao dịch; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng… là minh chứng cho sự thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.
Ông Hà Ngọc Triệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Hàng năm, căn cứ khả năng nguồn thu ngân sách, thành phố chủ động sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, hỗ trợ cho Phòng giao dịch NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Như năm 2019 này, tính đến hết tháng 6, tổng nguồn vốn từ ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH là 1,7 tỷ đồng (tăng 1 tỷ đồng so với đầu năm). Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời cho các đối tượng vay vốn, góp phần tiếp vốn cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ hiện nay của tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố là trên 120 tỷ, cho hơn 4000 hộ vay. Thực sự Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn (giai đoạn 2011- 2015 giảm từ 5,61% xuống còn 1,86% và đến thời điểm này tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Tam Điệp chỉ còn 1,16%).
Về Quang Sơn, một xã còn nhiều khó khăn của thành phố, chúng tôi mới thấy hết được ý nghĩa của những đồng vốn chính sách đối với bà con.
Vợ chồng anh Phạm Văn Tín và chị Bùi Thị Dung trước đây vốn là một trong những hộ khó khăn ở xã, con cái đang tuổi ăn tuổi học, kinh tế chủ yếu dựa vào làm đồi, làm ruộng chẳng thể đủ ăn, đủ mặc. Năm 2017, với khoản tiền 50 triệu đồng từ nguồn cho vay giải quyết việc làm, 2 vợ chồng đầu tư mua vật tư, phân bón, giống để thâm canh 4 ha dứa nhờ đó mà kinh tế gia đình khấm khá dần lên.
Chị Dung cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng trồng dứa nhưng không có vốn đầu tư thâm canh nên năng suất thấp, quả dứa bé, bán ra thị trường lời lãi chẳng được bao nhiêu. Từ khi nhận được số vốn từ NHCSXH tôi đã bàn bạc với chồng đầu tư trồng dứa bằng phương pháp che phủ nilon, tăng cường khâu chăm sóc, bón phân nhờ vậy mà năng suất cao hơn hẳn, 1 ha dứa giờ thu được những 40 tấn quả, lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Vợ chồng tôi cảm ơn chính sách của Đảng và Nhà nước nhiều lắm".
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: Nguồn vốn chính sách vô cùng có ý nghĩa đối với các hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn. Đa phần chị em vay vốn và sử dụng vốn rất có hiệu quả; họ đầu tư chăn nuôi bò, trồng dứa, trồng chè… Nhiều người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ đồng vốn này. Việc phối hợp ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức hội như Hội Phụ nữ chúng tôi nhìn chung vừa giúp người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hơn vừa giúp các tổ chức hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng hoạt động.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư trên địa bàn thành phố, ông Hà Ngọc Triệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp khẳng định: Thành phố sẽ cân đối dành một nguồn ngân sách tối đa có thể để ủy thác sang phòng giao dịch NHCSXH thành phố cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.
Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc và có kết quả hoạt động tín dụng chính sách, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Yêu cầu các đồng chí chủ tịch UBND các xã, phường phải dự giao ban định kỳ để nắm bắt, chỉ đạo môt cách sát sao; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để không có trường hợp nào người dân có nhu cầu, có đủ điều kiện mà không được vay vốn, không để xảy ra việc lợi dụng vốn chính sách để sử dụng vào mục đích khác.
Hà Phương