Thành phố Tam Điệp: Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế
Thứ Hai, 25/12/2023, 10:29
Zalo
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", thành phố Tam Điệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế.
Thành phố Tam Điệp: Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế
Theo đó, bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, thành phố Tam Điệp coi trọng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Các cơ quan chức năng của thành phố đã tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc lập hồ sơ và giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất và thuê đất theo quy định của pháp luật, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thành phố đã tập trung xúc tiến, thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Trung Sơn; thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã quy hoạch 2 khu công nghiệp và một cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Tam Điệp I với diện tích 64 ha (có tổng số 15 dự án, 9 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 40.000 lao động); Khu công nghiệp Tam Điệp II với tổng diện tích 386 ha (đang triển khai và thu hút các nhà đầu tư) và Cụm công nghiệp Trung Sơn. Đến nay, toàn bộ diện tích của các khu công nghiệp đã được lấp đầy, tạo việc làm ổn định cho trên 70.000 lao động; thu nhập bình quân từ 5,5-8 triệu đồng/người/tháng.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Đồng thời thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh. Năm 2022, thành phố xếp thứ 4/8 huyện, thành phố của tỉnh về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện; xếp thứ 3/8 huyện, thành phố về chỉ số cải cách hành chính.
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 có nhiều tác động đến thị trường và phương thức quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, thành phố đã quan tâm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến để cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm; quan tâm đào tạo nghề, cung ứng lao động có chất lượng cho khu vực kinh tế tư nhân. Hàng năm, thành phố thực hiện dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 1.200 - 1.500 lao động nông thôn, qua đó giúp nhiều lao động tìm được việc làm với thu nhập ổn định.
Sản phẩm của HTX Dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã được công nhận OCOP 4 sao.
Cùng với đó, thành phố quan tâm hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo. Trong đó, ưu tiên các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học. Từ năm 2019 đến nay, thành phố có 36 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao, góp phần thúc đẩy tăng doanh thu, giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong những năm gần đây, thành phố quan tâm thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên, tổ chức đoàn thể và đoàn viên trong khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 10 tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy; 8 chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân trực thuộc Đảng bộ xã, phường, 37 công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp trực thuộc Công đoàn thành phố. Nhìn chung các tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể đã làm tốt định hướng công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục đảng viên, đoàn viên, người lao động chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp; tham gia sắp xếp, tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp. Từ đó, đã quy tụ, tập hợp, phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hợp pháp, hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, thành phố Tam Điệp đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; số lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng. Hiện thành phố Tam Điệp có gần 600 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó 76 công ty cổ phần; trên 460 công ty TNHH và 59 doanh nghiệp tư nhân). Ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực như: Công nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải… Các doanh nghiệp luôn chủ động tìm kiếm thị trường, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thị trường đòi hỏi. Hoạt động hiệu quả, kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.