Năm 2015, năm đầu của nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Tam Điệp đề ra mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII: Nâng cao tiêu chí đô thị loại III, hướng tới xây dựng đô thị loại II. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã đề ra các chính sách phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung cao cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng với quy hoạch và chỉnh trang đô thị, khai thác có hiệu quả quỹ đất, mở rộng không gian đô thị, nhằm đáp ứng các tiêu chí của một đô thị loại II. Đặc biệt, tháng 6/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 16 về "Tăng cường công tác quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Tam Điệp". Đây là động lực quan trọng để thành phố xây dựng và chỉnh trang đô thị, hướng tới đô thị loại II.
Bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết, thành phố Tam Điệp đã tập trung quy hoạch tổng thể phát triển không gian đô thị. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã lập và trình UBND tỉnh phê duyệt 8 đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư. Các quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố ngoài việc bố trí đất ở để đấu giá, phục vụ tái định cư; việc bố trí quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục, văn hóa, cây xanh luôn được thành phố quan tâm. Nhìn chung, các đồ án quy hoạch đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi đô thị; cơ bản đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt, thành phố từng bước đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã đầu tư xây dựng mới 139 công trình, dự án với tổng kinh phí 362,2 tỷ đồng. Việc triển khai các công trình, dự án xây dựng luôn bám sát quy hoạch đã phê duyệt. Đặc biệt là một số dự án mang tính điểm nhấn đô thị như: Quảng trường, Công viên văn hóa thành phố và tượng đài Hoàng đế Quang Trung; Trung tâm thể thao thành phố; các trục đường giao thông quan trọng như đường Đồng Giao tiếp nối từ đảo giao thông về phía tây thành phố, đường vành đai phía tây bắc thành phố… đã góp phần đảm bảo kiến trúc, cảnh quan đô thị thành phố.
Xuất phát từ tình hình thực tế, cũng như yêu cầu phát triển đô thị của thành phố trong giai đoạn mới, thành phố đã chủ động xây dựng và báo cáo đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố Tam Điệp. Quy chế đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố. Sau khi Quy chế được phê duyệt, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế, qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân từng bước tiếp cận, tìm hiểu, nắm và chấp hành các quy định của Quy chế.
Bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của UBND thành phố, UBND các xã, phường đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung của Quy chế: ban hành kế hoạch, thành lập tổ công tác thực hiện Quy chế; tổ chức các đợt cao điểm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự hành lang an toàn giao thông gắn với vệ sinh môi trường, thông qua đó, tuyên truyền, vận động, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm; tổ chức cho các hộ dân, các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các nội dung của Quy chế. Trong 5 năm qua (2015-2020), thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 562 trường hợp vi phạm Quy chế đô thị; tuyên truyền, vận động, cưỡng chế tháo gỡ 720 lều, lán, mái che, mái vẩy, bạt, biển quảng cáo, biển hiệu cửa hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường; xử lý 931 trường hợp vi phạm trật tự công cộng, trật tự đô thị. Đặc biệt, đã tập trung xử lý cơ bản tình trạng vi phạm về trật tự đô thị tại một số khu vực nóng, phức tạp trước đây như: Khu vực chợ Bắc Sơn, chợ Đồng Giao… Công tác quản lý đô thị đã thực sự chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người dân, ý thức chấp hành quy chế quản lý đô thị của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tình trạng người dân bày bán hàng hóa, lắp đặt biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường giảm thiểu.
Điểm nổi bật trong công tác quản lý đô thị ở Tam Điệp chính là thành phố đã xác định chỉnh trang đô thị phải bắt đầu từ lòng dân, lấy dân làm gốc, gắn quyền lợi với nghĩa vụ của người dân một cách rõ ràng. Theo đó, các chủ trương của thành phố đều được cấp ủy, chính quyền đưa ra trước nhân dân bàn bạc để đi đến đồng thuận. Chính vì vậy mà nhiều dự án lớn, có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người dân, song, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong vận động, giải thích thuyết phục có tình, có lý mà nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng. Trong quá trình thực hiện, thành phố chú trọng công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục và nâng cao ý thức của cán bộ phục vụ trong bộ máy hành chính công. Bằng cách làm ấy, trong 5 năm qua, thành phố đã vận động nhân dân tham gia hiến công, hiến kế và thực hiện nhường đất để giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án với tổng diện tích 125ha. Bộ mặt đô thị đã có nhiều đổi thay, những con đường, khu phố được mở rộng, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 100%, hoàn thành lát mới vỉa hè các tuyến phố chính, tăng cường trồng, chăm sóc cây xanh..., tạo nên không gian "sáng, xanh, sạch, đẹp".
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Tam Điệp (khóa VIII) đã đi vào thực tế cuộc sống. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác quản lý đô thị, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng đô thị Tam Điệp ngày càng văn minh. Thành công trong triển khai thực hiện Nghị quyết 16 đã tạo tiền đề quan trọng để thành phố Tam Điệp nâng cao tiêu chí đô thị loại III, phấn đấu sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Mai Lan