Xuất phát điểm là một thị xã nhỏ với hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu, sau 25 năm tái lập tỉnh, đô thị Ninh Bình đã mang diện mạo mới. Không còn chút "bóng dáng" năm nào của thị xã vốn ví von là thị xã "4B" (buồn, bực, bụi, bẩn), Ninh Bình ngày nay đã là một thành phố, đô thị loại II trực thuộc tỉnh với hệ thống đường giao thông rộng rãi, thuận tiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn như: Dự án kè bờ sông Vân, cải tạo hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế… Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố, đồng thời để nâng cao vai trò là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, những năm qua cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố đã đồng lòng, chung sức xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố du lịch…
Ngày 7-2-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Ninh Bình thuộc tỉnh Ninh Bình, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Ninh Bình trước đây. Sau khi thành lập, thành phố Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 10 phường (Tân Thành, Phúc Thành, Đông Thành, Nam Thành, Thanh Bình, Nam Bình, Vân Giang, Bích Đào, Ninh Khánh, Ninh Phong) và 4 xã (Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Sơn, Ninh Phúc). Ngày 20-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 729/QĐ-TTg công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Bình. |
Sau nhiều năm phấn đấu, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, nhất là sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa… Năm 2007 thị xã Ninh Bình chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Kể từ đó, 10 năm qua thành phố Ninh Bình đã có bước chuyển mạnh mẽ, từng bước vươn lên hoàn thiện các tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại. Người dân thành phố có quyền tự hào về những thành quả mà mình góp công dựng nên: Tháng 5-2014, Thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. Để có được kết quả đó, thành phố đã nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, có sự đột phá, đặc biệt là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đô thị, giao thông, môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo tính thống nhất, bền vững và hiệu quả. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng thành phố. Theo đó, thành phố đã tổ chức khảo sát thực trạng đô thị để xây dựng lộ trình nâng cấp theo tiêu chí đô thị loại II và đầu tư một số công trình tạo điểm nhấn về phát triển đô thị. Chủ động khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại II. Công tác quy hoạch đô thị, xây dựng và vận hành đô thị có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, đảm bảo trật tự, chỉnh trang đô thị cũng được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt đô thị. Thành phố đã tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các xã, phường, các khu đô thị mới và các khu chức năng. Thực hiện tốt Đề án đặt, đổi tên đường phố, gắn biển số nhà. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh lập Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7-2014. Tập trung lập quy hoạch chi tiết các xã, phường, các khu chức năng của thành phố như: Cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Ninh Phong, Khu dịch vụ du lịch phường Ninh Khánh, các khu dân cư mới phục vụ tái định cư các dự án và giãn dân… Công tác quản lý đất đai được thực hiện chặt chẽ từ việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đến việc quản lý và sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, khắc phục được tình trạng lấn chiếm đất đai, hạn chế việc tranh chấp đất đai và khiếu kiện trong nhân dân. Hiện nay, kết cấu hạ tầng đô thị Ninh Bình được đầu tư nâng cấp, có nhiều đổi mới theo hướng đô thị văn minh, hiện đại. Một số công trình lớn được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn như: Dự án kè bờ sông Vân, cải tạo hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch, cải tạo nâng cấp các tuyến đường nội thành… Nhiều công trình phúc lợi công cộng như: đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng. Công tác quản lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực. Tại các xã, phường trên địa bàn thành phố đều duy trì và thực hiện các tuyến đường văn minh, đô thị. Tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia xây dựng đô thị. Đến nay, tỷ lệ các tuyến đường giao thông nội thành có vỉa hè đạt tiêu chuẩn đạt trên 80%, trên 90% tuyến đường giao thông nội thành có điện chiếu sáng công cộng, hơn 90% hộ gia đình được dùng nước máy…
Nét nổi bật trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố những năm qua là cấp ủy, chính quyền thành phố đã làm tốt việc huy động các nguồn xã hội hóa của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Năm 2016, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, đã có 4 doanh nghiệp hưởng ứng, đăng ký tài trợ kinh phí để đặt bo, lát vỉa hè bằng đá một số tuyến đường trung tâm thành phố theo phương châm xã hội hóa. Đó là: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đảm nhiệm thi công, chỉnh trang đô thị tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (chiều dài tuyến 1.149 m từ đường Lê Hồng Phong đến đường Đinh Tất Miễn); Tập đoàn Phúc Lộc đăng ký tài trợ kinh phí để thi công đặt bo, lát vỉa hè bằng đá tuyến đường Lương Văn Thăng (chiều dài tuyến 880,2 m từ cầu Non Nước đến đường Trần Hưng Đạo); Tập đoàn Cường Thịnh Thi đăng ký tài trợ kinh phí để thi công đặt bo, lát vỉa hè bằng đá tuyến đường Lê Hồng Phong (chiều dài tuyến 793,2 m từ đường Trần Hưng Đạo đến cầu Vân Giang); Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Hoàng Dân đăng ký tài trợ kinh phí để thi công đặt bo, lát vỉa hè bằng đá tuyến đường Lê Đại Hành (chiều dài tuyến 1.292 m từ cầu Lim đến đường Ngô Gia Tự). Các dự án, công trình được hoàn thành, góp phần đem lại diện mạo mới cho bộ mặt đô thị thành phố khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Phan Hiếu