Ở hầu khắp các thôn, xóm, phố trên địa bàn, đâu đâu cũng xuất hiện các hàng quán bán thức ăn sẵn, đồ ăn sáng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Vào một hàng ăn sáng tại khu vực phường Vân Giang, chỉ một dãy phố nhỏ nhưng có đến hơn chục hàng ăn sáng với đủ các đồ ăn: bún chả nướng, bún cá, phở, bánh cuốn, cháo…
Hàng nào cũng đông người ăn, kéo dài từ sáng sớm cho đến 9 - 10 giờ hàng ngày. Có hàng, người chế biến chấp hành khá tốt việc đeo găng tay, tạp dề khi chế biến thức ăn cho khách. Nhưng cũng có hàng, việc chuẩn bị nguyên liệu, chế biến món ăn không có bao tay, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Điều dễ nhận thấy là hầu hết các hàng bán thức ăn đường phố vì phục vụ cho lượng khách hàng khá lớn vào một thời điểm nên việc giữ vệ sinh môi trường khu vực xung quanh quán ăn còn chưa được coi trọng. Giấy ăn, thức ăn thừa được vứt bừa bãi, bát đũa sử dụng xong được rửa vội vàng chỉ trong cái chậu và xô nước, trông khá nhếch nhác. Thậm chí, có hôm trời vừa tạnh mưa, vào một quán ăn sáng ngay bên lề đường thuộc tuyến đường Lê Đại Hành, chúng tôi đành quay đi vì nhìn thấy cảnh nước ngập lênh láng chỗ ngồi, thức ăn và giấy lau nổi lềnh bềnh ngay chân khách ngồi ăn mà chủ quán cũng chẳng mảy may đứng lên dọn dẹp…
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế thành phố: Hiện trên địa bàn thành phố có 544 cơ sở thức ăn đường phố gồm các cơ sở kinh doanh hàng ăn sáng, cơ sở bán thức ăn chín nằm dọc các tuyến đường chính, trong các ngõ phố, vỉa hè, lề đường tại 14 xã, phường và một số các hình thức bán ăn sáng di động, vận chuyển bằng xe đạp, thúng, mẹt bán hàng. Tập trung đông nhất tại một số địa bàn: phường Tân Thành có 136 cơ sở, phường Thanh Bình có 61 cơ sở, phường Nam Bình có 55 cơ sở, phường Ninh Khánh có 53 cơ sở…
Qua công tác thanh, kiểm tra về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành chức năng, vẫn còn nhiều cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó các vi phạm thường tập trung ở việc: người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm không khám sức khỏe, không qua tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong quá trình chế biến thức ăn không sử dụng găng tay, đeo tạp dề…
Bên cạnh những cơ sở thức ăn đường phố cố định tại một địa điểm, còn có những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố di động: bán rong bằng xe đạp hoặc chỉ đặt thúng, mẹt để phục vụ nhanh khách hàng rồi đi chỗ khác, nhiều cơ sở do người từ nơi khác đến kinh doanh… khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặt hàng đồ ăn sẵn, nhất là đồ ăn sáng thu hút lượng lớn khách hàng. Một ngày, lượng thức ăn sẵn rất lớn được cung cấp ra thị trường, nếu không thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Xuất phát từ những lý do đó, thành phố Ninh Bình đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh triển khai xây dựng mô hình điểm về thức ăn đường phố và chọn phường Thanh Bình là đơn vị thực hiện điểm nhằm đưa loại hình kinh doanh này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Phường Thanh Bình là đơn vị làm điểm về xây dựng địa bàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. Cùng đi kiểm tra thực tế các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với chúng tôi, chị Đậu Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường cho biết: Thực hiện mô hình điểm từ tháng 5 đến nay, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn phường đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như trước kia, nhận thức, hiểu biết của người chế biến, kinh doanh còn hạn chế nên trong việc chế biến, bày bán thức ăn còn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, sau khi được dự tập huấn kiến thức, tiếp thu các quy định của Luật An toàn thực phẩm, phần lớn các hộ kinh doanh thức ăn đường phố đều chấp hành nghiêm các quy định, kiến thức đã học trong quá trình chế biến, bày bán thức ăn. Với hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, trong đó có 61 cơ sở thức ăn đường phố, phường Thanh Bình đã mời được 100% cơ sở tham gia tập huấn và tổ chức cho các chủ cơ sở khám sức khỏe, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, cấp chứng chỉ miễn phí và ký cam kết chấp hành tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở còn được phát các tài liệu, tờ rơi về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp phát miễn phí gần 1.000 đôi găng tay cho 100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố sử dụng trong chế biến, bày bán thức ăn cho khách hàng.
Ngay sau khi xây dựng điểm, phường Thanh Bình tiến hành kiểm tra thường xuyên các cơ sở thức ăn đường phố nhằm đảm bảo các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định, nhắc nhở, hướng dẫn những cơ sở chưa thực hiện tốt. Từ khi xây dựng điểm về địa bàn đảm bảo an toàn thực phẩm về thức ăn đường phố đến nay, qua công tác kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở trên địa bàn phường chấp hành khá tốt các quy định, có che đậy, bảo quản thức ăn cẩn thận bằng túi nilon hoặc tủ kính, sử dụng găng tay khi chế biến thức ăn, vệ sinh sạch sẽ nơi bày bán thực phẩm…
Đây cũng là địa bàn nhiều năm qua chưa có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Từ kết quả thực hiện mô hình điểm tại phường Thanh Bình, thời gian tới thành phố Ninh Bình sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này đến các xã, phường trên địa bàn nhằm xây dựng địa bàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về thức ăn đường phố, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bùi Diệu