Nhiều HTX chưa hoạt động theo Luật Trên địa bàn thành phố Ninh Bình hiện có 23 HTX nông nghiệp, 9 Quỹ tín dụng nhân dân và 2 HTX ngành nghề (HTX vận tải và HTX cơ khí). Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã xuất hiện các HTX kiểu mới, HTX chuyên ngành như HTX chăn nuôi Phúc Tiến (Ninh Tiến), HTX hoa Ninh Phúc. Các HTX này đều mới thành lập 1-2 năm nay nhưng bước đầu hoạt động có hiệu quả.
Cũng có HTX đã thực hiện tốt mô hình liên kết 4 nhà, tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học để sản xuất ra hàng hóa có năng suất, chất lượng cao và đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Điển hình như HTX Yên Phúc (Ninh Phúc) hàng năm ký kết với Công ty TNHH Hoàng Lê bao tiêu gần 10 tấn sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn vào thực chất, khu vực KTTT của thành phố Ninh Bình đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các HTX nông nghiệp. Hiện nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố chưa hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Vốn tự có của HTX nông nghiệp thấp và chủ yếu nằm ở tài sản cố định, trong khi khó tiếp cận được với các tổ chức tín dụng do vướng về quy trình, thủ tục, quy định vay.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của hầu hết các HTX thấp, thu chỉ đủ bù chi, đa số chỉ cung ứng được dịch vụ đầu vào, chưa cung ứng được dịch vụ đầu ra cho xã viên.
Đặc biệt, quá trình đô thị hóa và phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp đã dần dần bị thu hẹp dành cho các dự án phát triển đô thị, các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp....
Đến nay, thành phố chỉ còn khoảng 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, giảm rất nhiều so với 15 năm trước và tới đây diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm khi triển khai tiếp dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn lấy đi 142 ha của phường Ninh Sơn và xã Ninh Phúc.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế thành phố: Trong số 23 HTX nông nghiệp, thì có 21 HTX chuyên cung ứng dịch vụ trồng trọt, trong đó có 15 HTX còn nhiều đất sản xuất nông nghiệp và 2 HTX còn rất ít đất (dưới 10 ha) và 4 HTX gần như hết đất (Kỳ Vỹ, Phúc Thành, Bích Đào, Vững Tiến).
Hầu như 4 HTX này không còn khả năng hoạt động, muốn giải thể nhưng gặp phải vấn đề phức tạp liên quan đến vốn góp, tài sản, công nợ của HTX được chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.
Hướng đi và giải pháp phát triển
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Ninh Bình, thành phố sẽ rà soát lại hoạt động của các HTX, tìm ra khó khăn, vướng mắc và phân tích rõ nguyên nhân, có giải pháp cụ thể. Với những HTX nông nghiệp vẫn còn đất sản xuất, thành phố khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có hiệu quả cao vào sản xuất; áp dụng các biện pháp thâm canh mới, nâng số lần quay vòng của đất nông nghiệp, tăng vụ các loại cây rau màu, hoa... Từ đó nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Đồng thời, nhân rộng và thành lập mới các HTX ngành nghề kiểu mới như HTX chăn nuôi, HTX hoa... dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, của HTX và cộng đồng.
Việc thành lập các HTX kiểu mới trên cơ sở những nơi có sản phẩm đặc trưng, lợi thế cạnh tranh như: HTX Hoa Ninh Phúc thành lập trên cơ sở các hộ dân nơi đây đã có truyền thống trồng hoa lâu năm hay HTX chăn nuôi Phúc Tiến (Ninh Tiến) tập hợp nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chăn nuôi gia trại, trang trại.
Thành phố cũng tiến hành tổ chức củng cố lại các HTX nông nghiệp theo đúng bản chất HTX, Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn.
Dự kiến thành phố sẽ chuyển đổi 15 HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012, trong đó phấn đấu năm 2015 chuyển đổi 4 HTX đã đến kỳ đại hội, còn lại 11 HTX sẽ hoàn thành công tác chuyển đổi vào tháng 6 năm 2016, theo đúng lộ trình của Nhà nước đã đề ra.
Riêng 6 HTX còn rất ít đất hoặc không còn đất sản xuất nông nghiệp, chỉ còn tồn tại về mặt hình thức, thành phố sẽ tiến hành thủ tục cho giải thể, ưu tiên giải thể trước 4 HTX đã có đơn tự nguyện đề nghị là Bích Đào, Phúc Thành, Kỳ Vỹ, Phúc Chỉnh.
Thực tế cho thấy, thời gian qua những địa phương có KTTT phát triển, mà thể hiện rõ nhất là trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đều có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể... Mong rằng, với những giải pháp đã đề ra, thành phố Ninh Bình sẽ tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các HTX nông nghiệp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài, ảnh: Hồng Giang