Chuyện vợ chồng cậu con trai cả của gia đình chị Th. ly hôn không khiến người dân khu phố P.S, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) ngạc nhiên. Bởi lẽ, đã mấy tháng nay, vợ chồng trẻ ấy thường xuyên đánh chửi nhau và chạy khắp phố. Cưới nhau đến nay chưa đầy năm nhưng con gái đã gần 1 tuổi. Nguyên nhân là do "bác sĩ bảo cưới", bởi cả hai "yêu nhau" khi đang học THPT, lúc cái thai đã gần 5 tháng tuổi chúng mới thông báo cho 2 bên gia đình. Không có cách giải quyết nào khác, bố mẹ 2 bên đành "con dại cái mang" tổ chức "cưới chạy" cho bọn trẻ. Vài tháng lấy nhau, rồi sau khi sinh con, vợ chồng trẻ liên tục cãi vã, chửi bới, đánh nhau vì hàng tá các nguyên nhân rất "nực cười": Vợ không biết chăm con để nó khóc chồng không ngủ được; chồng không cho vợ đi cùng lại còn đi chơi về muộn; tranh nhau xem chương trình trên ti vi; lừa nhau cho con ăn, làm việc nhà…
Công việc làm ổn định không có, chồng trẻ thi thoảng đi làm thợ sơn được vài trăm nghìn đồng thì đánh đề và nhậu nhẹt; vợ trẻ và con nhỏ sống nhờ đồng lương công nhân của bố mẹ…Những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình chung sống khiến gia đình chị Th. không lúc nào được yên và cuối cùng phải ly tán vì "đôi trẻ" tuyên bố đã "hết yêu" nhau.
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình, trong 6 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2017), Tòa án thành phố thụ lý 1.360 vụ việc ly hôn. Số vụ án hôn nhân và gia đình tăng dần hàng năm, năm 2012 thụ lý 158 vụ, đến năm 2017 thụ lý 255 vụ; tính trung bình trong 6 năm, mỗi năm thành phố có 227 vụ ly hôn.
Số vụ ly hôn chiếm tỷ lệ trên 45% tổng số vụ việc dân sự Tòa án thụ lý. Điều đáng nói là, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, cụ thể là: Độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi từ 52 vụ tăng lên 75 vụ; số vụ án ly hôn có con chưa thành niên từ 98 vụ tăng lên 157 vụ. Qua công tác thụ lý án ly hôn cho thấy, tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn thường cao gấp gần 2 lần so với người chồng, chiếm khoảng gần 80%; số vụ ly hôn có con chưa đến tuổi thành niên chiếm trên 50%....
Đây là con số đáng báo động, bởi ly hôn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do các cấp, các ngành phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, thời gian và tiền bạc để giải quyết ly hôn và các vấn đề sau ly hôn…
Trong đó ảnh hưởng trực tiếp là những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn, hầu hết con cái của các cặp vợ chồng bị chấn thương tâm lý rất nặng nề, vi phạm pháp luật nhiều hơn những đứa trẻ có đủ cha mẹ. Nhiều gia đình phải đối mặt với gánh nặng kinh tế do khối tài sản chung bị chia đôi. Đối với những cha mẹ khi sống chung chưa đủ tuổi cũng chưa có nhận thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, những đứa con sinh ra không khỏe mạnh…
Theo đại diện Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn nhưng qua thực tế cho thấy có một số nguyên nhân chủ yếu như: Tâm sinh lý của giới trẻ chưa thực sự ổn định, họ thường yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về nhau cũng như chưa có sự chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Cùng với đó là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa có công việc ổn định, sau khi kết hôn phải tự lo cho cuộc sống riêng khi điều kiện kinh tế chưa đảm bảo rất dễ phát sinh mâu thuẫn.
Ngoài ra có nguyên nhân do bạo lực trong gia đình, người chồng, người cha thường xuyên bạo hành với vợ, con, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người phụ nữ và con cái dẫn đến mâu thuẫn gia đình tăng cao, người vợ muốn ly hôn. Nguyên nhân khác là do ngoại tình, có thể một bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai bên cùng ngoại tình với người khác dẫn đến tình cảm vợ chồng rạn nứt, không tìm được tiếng nói chung.
Nguyên nhân nữa là do mâu thuẫn trong suy nghĩ của một số gia đình nhiều thế hệ, điển hình là mẹ chồng - nàng dâu do bất đồng quan điểm trong cách sống, cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ... Thêm vào đó, có nguyên nhân là do người chồng hoặc vợ mắc vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút... cũng dễ dẫn đến ly hôn.
Để hạn chế số lượng các vụ ly hôn, đặc biệt là tình trạng số vụ ly hôn ngày càng có xu hướng "trẻ hóa" như hiện nay, UBND thành phố Ninh Bình, Tòa án nhân dân, Hội phụ nữ và các ngành liên quan trên địa bàn thành phố đã tổ chức tọa đàm, trao đổi, thống nhất kiến nghị, đề xuất thực hiện một số biện pháp, giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong ứng xử với gia đình, xã hội.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, làm tốt việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình. Tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ.
Cùng với đó tăng cường công tác hòa giải ngay từ cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh, giúp người vợ và chồng nâng cao hơn nữa nhận thức trách nhiệm, vị trí của mình trong gia đình để cùng giữ gìn hạnh phúc hôn nhân. Phát huy vai trò của dư luận xã hội để lên án những tệ nạn xã hội dễ trở thành nguyên nhân gây ra ly hôn như ngoại tình, cờ bạc và bạo lực gia đình…
Về phía các bậc cha mẹ, cần định hướng cho các con ngay từ khi đến tuổi trưởng thành. Không áp đặt, nhưng phải gợi ý cho các con những kiến thức cần thiết khi lựa chọn bạn đời phù hợp. Giáo dục thanh niên về đạo đức, tình yêu giới tính và những mối quan hệ gia đình ngay từ lúc còn ở trường.
Mặt khác, các gia đình không nên khuyến khích con cái lấy vợ, lấy chồng quá sớm. Biểu dương kịp thời những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu theo tổ dân phố, thôn, xóm... gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Hạnh Chi