Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị được phê duyệt, trong những năm qua thành phố Ninh Bình đã có những dự án khu dân cư mới, khu đô thị mới, các khu quy hoạch công nghiệp, công viên cây xanh, chỉnh trang đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo động lực phát triển của thành phố. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các đồ án quy hoạch cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị.
Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Trong công tác quản lý kiến trúc, thành phố Ninh Bình đã tập trung hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình lập đồ án quy hoạch phải đề xuất cụ thể các nội dung thiết kế đô thị theo quy định hiện hành.
Công tác cấp phép xây dựng nhà ở và các công trình được đẩy mạnh; công tác cải cách thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, tuân thủ theo các quy định quản lý và quy hoạch đã được duyệt. Các công trình hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch làm cho diện mạo đô thị đổi mới, khang trang hơn trước, đời sống kinh tế-xã hội, chất lượng sống đô thị được nâng cao.
Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định quy hoạch, cơ quan quản lý Nhà nước đã yêu cầu đơn vị tư vấn cập nhật đầy đủ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới,... vào quy hoạch sử dụng đất để gia tăng sự thống nhất.
UBND thành phố đã căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt để có cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố, sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND thành phố đã tổ chức công bố, công khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, thành phố Ninh Bình đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi nguồn lực đầu tư có hạn, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải và hiệu quả chưa cao. Song song với đó, công tác dự báo, xác định nhu cầu sử dụng đất của một số phường, xã chưa có tầm nhìn xa nên kết quả công tác quy hoạch còn hạn chế. Đánh giá về việc quản lý, sử dụng và thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai tại đô thị trong thời gian qua, đồng chí Đinh Văn Thứ cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất tuy đã được thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng chất lượng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng và bắt nhịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quy hoạch chưa có nhiều khu đô thị hiện đại, kiểu mới mà chỉ dừng lại mức khu dân cư mới. Trong khu dân cư lại được quy hoạch mật độ đất ở nhiều, đất công trình công cộng, đất cây xanh còn ít, khu vui chơi giải trí còn thiếu dẫn đến không gian, mỹ quan đô thị bị hạn chế.
Cùng với đó, các đồ án quy hoạch hiện nay được lập và triển khai chưa đầy đủ các nội dung theo quy định như: chưa chú trọng đến bước thực hiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc kèm; thiết kế đô thị dẫn đến việc quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất trong quản lý.
Công tác quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch các hệ thống hạ tầng đô thị được lập thiếu tính đồng bộ cao như quy hoạch của ngành điện, quy hoạch mạng lưới phát triển ngành bưu chính viễn thông, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải của thành phố... Nguyên nhân, do thời kỳ thực hiện quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành không hoàn toàn thống nhất.
Theo quy định, thời kỳ thực hiện quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, trong khi một số quy hoạch chung thời kỳ thực hiện là 20 năm hoặc dài hơn... Bên cạnh đó, một số quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đô thị... được phê duyệt sau khi quy hoạch sử dụng đất, do đó nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực chưa được cập nhật, tổng hợp đầy đủ vào quy hoạch sử dụng đất...
Để xây dựng đô thị thành phố Ninh Bình trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trong thời gian tới thành phố Ninh Bình cần coi trọng và nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo tiền đề để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, phát triển cũng như cải tạo và chỉnh trang đô thị. Công tác quy hoạch phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo, sát với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, thật sự trở thành nền tảng, tạo dựng nguồn lực phát triển cho thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cần tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, nội lực trong nhân dân, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho phát triển đô thị để tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm nâng cao chất lượng, môi trường sống cho nhân dân thành phố.
Nguyễn Thơm