Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 30/9/2003 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XIX
nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra, BCH Đảng bộ thành phố đã xây dựng 6 chương trình công tác toàn khóa. Trong đó, có riêng một chương trình công tác để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ khâu đột phá của thành phố về "Đẩy mạnh công tác quản lý đô thị trên cả 3 lĩnh vực: quy hoạch đô thị, xây dựng và vận hành đô thị thành phố Ninh Bình giai đoạn 2015- 2020 có trọng điểm hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2015- 2020".
Để cụ thể hóa, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, xây dựng kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải tạo, nâng cấp hạ tầng đô thị theo phương châm: huy động mọi nguồn lực để thực hiện đầu tư và chỉnh trang đô thị và đầu tư tiết kiệ, hiệu quả, đảm bảo mỹ quan và đúng các tiêu chí kỹ thuật đô thị, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển đô thị. Với phương châm đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị bước đầu đã được đầu tư nâng cấp và chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại.
Những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng và cải tạo nhiều công trình phúc lợi công cộng như: đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nức, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, cây xanh thảm cỏ… Một số dự án chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội, phục vụ dân sinh như: Dự án cải tạo và kè hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch; Dự án cải tạo cảnh quan đầu cầu Lim; xây dựng các cụm tiểu cảnh; dự án thay thế bóng đèn chiếu sáng công cộng bằng đèn Led trên một số tuyến đường chính… Với tổng kinh phí xã hội hóa lên tới gần 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố bố trí đối ứng để nạo vét hệ thống cống rãnh khoảng gần 20 tỷ đồng.
Riêng năm 2017 thành phố đã huy động nguồn lực xã hội hóa cải tạo chỉnh trang lát đá vỉa hè một số tuyến đường chính trên địa bàn thành phố như: đường Tràng An, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Lương Văn Tụy. Đây là các công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố, 25 năm tái lập tỉnh và cũng là công trình tạo điểm nhấn về công tác chỉnh trang đô thị. Quy mô xây dựng của các tuyến đường gồm: cải tạo, chỉnh trang bo hè, vỉa hè, đường dạo cho người đi bộ, cải tạo và bổ sung cống rãnh thoát nước, cải tạo và bổ sung hệ thống cây xanh, sắp xếp lại hệ thống đường dây điện lực, cáp viễn thông.
Quy mô xây dựng tại các tuyến đường chính của thành phố đáp ứng sự phát triển toàn diện của thành phố trên các lĩnh vực. Trong đó ưu tiên đầu tư cho phát triển thương mại, dịch vụ, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại. Việc cải tạo, chỉnh trang một số tuyến vỉa hè trên đóng vai trò quan trọng và cần phải quan tâm thực hiện. Kết quả này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao về công tác chỉnh trang đô thị.
Bên cạnh đó, căn cứ Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 và căn cứ vào quy hoạch phân khu các khu vực thuộc Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình. Thành phố đã tích cực tập trung huy động các nguồn lực xã hội để phát triển đô thị thành phố theo quy hoạch chung đã được phê duyệt. Đồng thời, thành phố cũng tập trung rà soát, xây dựng và triển khai kế hoạch khai thác nguồn thu từ đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cấp 3 xã: Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc lên phường…
Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XXvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành đô thị. Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng và chỉnh trang đô thị thành phố, trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn lực xã hội hóa. Qua đó diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, văn minh, hiện đại, hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ, nếp sống văn minh đô thị của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Bùi Diệu