Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã đặt ra nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nữ cán bộ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời đã tập trung chỉ đạo tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ nữ của thành phố nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, qua đó ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử.
Xác định tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị không phải là việc riêng của phụ nữ, mà đó là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội, Thành ủy Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó tập trung rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, phát hiện những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có triển vọng để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền thành phố đã quan tâm xây dựng và đưa cán bộ nữ quy hoạch vào các chức danh cán bộ chủ chốt. Qua rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020 và quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch luôn đạt tỷ lệ cao: Tỷ lệ nữ cán bộ được quy hoạch vào cấp ủy cấp thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 28,57% (18/63 đồng chí); nhiệm kỳ 2020-2025 là 20/75 đồng chí, đạt tỷ lệ 27,78%. Tỷ lệ nữ cán bộ được quy hoạch vào Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 23,53% (4/17 đồng chí), nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 5/18 đồng chí, đạt tỷ lệ 27,78 %. Tỷ lệ nữ cán bộ được quy hoạch vào ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 49,44% (220/445 đồng chí); nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 228/464 đồng chí, đạt tỷ lệ 49,14%.
Nhằm góp phần nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ, thành phố Ninh Bình quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã cử 62 cán bộ nữ đi học trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị (chiếm trên 50% trong tổng số cán bộ được cử đi học) và cử 317 đồng chí đi học sơ cấp chính trị (chiếm 70,3%); cử 4 nữ cán bộ đi đào tạo sau đại học, cử 8 cán bộ nữ đi học lớp bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã. Ngoài ra còn cử nhiều cán bộ nữ đi bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng...
Cùng với đó, thành phố Ninh Bình đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cán bộ nữ trong việc đi học, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ theo Quyết định số 2196 ngày 3/12/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình với mức hỗ trợ từ 2-10 triệu đồng trở lên tùy theo bậc học từ trung cấp đến tiến sỹ. Hàng năm, thành phố dành một khoản kinh phí để hỗ trợ hoạt động của nữ công, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động cho chị em được giao lưu văn hóa văn nghệ, tham quan các mô hình kinh tế - xã hội, góp phần động viên tinh thần cán bộ nữ, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên và đặc biệt là sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 82 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Ninh Bình, công tác cán bộ nữ ở thành phố đã được quan tâm hơn. Tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt, Thường vụ cấp ủy các cấp đã đạt tỷ lệ 23% (mục tiêu là 15%) trong đó cấp thành phố đạt 32%, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 25,4% (mục tiêu là 25%). Đặc biệt, nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX (2015 - 2020), lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy có 3 ủy viên là nữ; cấp ủy cơ sở, có 1 nữ Bí thư và 4 nữ Phó Bí thư Đảng ủy. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 cấp thành phố có 8/31 đồng chí nữ (chiếm 25,8%), cấp xã chiếm 30%. Trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục, tỷ lệ lãnh đạo nữ luôn cao trên 90%.
Những con số trên cho thấy năng lực đội ngũ cán bộ nữ thành phố ngày càng được nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan. Các cán bộ nữ đã có cơ hội để khẳng định tài năng, bản lĩnh trong công tác chuyên môn, công tác quản lý, lãnh đạo. Theo đánh giá của Thành ủy Ninh Bình: Thực tiễn công tác cho thấy, một trong những ưu thế của đội ngũ cán bộ nữ là khi được giao nhiệm vụ, thường tận tâm, trách nhiệm cao, có ý thức với công việc. Nhờ sự mềm dẻo, linh hoạt khi xử lý công việc, biết cách vận động, tập hợp lực lượng nên cán bộ nữ thường tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao. Điều đáng chú ý là bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền thì đội ngũ cán bộ nữ thành phố Ninh Bình không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên khẳng định mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để phát huy tốt hơn vai trò, vị trí của phụ nữ, thu hẹp dần khoảng cách về giới, đồng thời góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Minh Ngọc