Nổi bật là kinh tế nông nghiệp phát triển và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng vào sản xuất. Các hoạt động sản xuất và dịch vụ trong nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.
Trong quá trình thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động.
Thành ủy Ninh Bình đã chỉ đạo UBND thành phố xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện 4 đề án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là: Đề án số 03 ngày 16/9/2009 về hỗ trợ phát triển trồng lúa chất lượng cao; đề án số 01 ngày 11/7/2013 về hỗ trợ xi măng để đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở; đề án số 01 ngày 11/7/2017 về hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề án số 02 ngày 11/7/2017 về đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng 3 xã: Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc theo tiêu chí trở thành phường.
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở đảng đã ban hành chương trình hành động cụ thể, phù hợp với địa phương, đơn vị, đồng thời đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu cao vai trò gương mẫu xung kích đi đầu trong những công việc khó như xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, làm đường giao thông nông thôn...
Trên cơ sở đó, việc thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đạt kết quả đáng ghi nhận. Cơ cấu cây trồng đã có chuyển biến rõ nét, các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Diện tích trồng hoa được mở rộng từ 5 ha lên trên 14 ha vào chính vụ; các chủng loại hoa đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ năm 2017, thành phố triển khai thực hiện đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn. Kết quả bước đầu đã xây dựng được 4 mô hình mẫu, trong đó có 1 mô hình trồng rau, 3 mô hình trồng hoa với tổng diện tích hơn 2.500 m2 để các hộ dân trong khu vực nghiên cứu, học tập, ứng dụng vào thực tế sản xuất của hộ gia đình. Diện tích trồng lúa chất lượng cao được mở rộng qua từng vụ, bình quân đạt 70% diện tích gieo cấy.
Thành phố khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 90%, khâu thu hoạch đạt trên 75%, gieo thẳng đạt 25-30% diện tích; năng suất lúa bình quân luôn đạt ở mức cao hơn trung bình cả tỉnh. Việc ứng dụng kỹ thuật mới, cải tiến biện pháp canh tác và đưa cây trồng mới vào sản xuất được quan tâm chỉ đạo, bước đầu một số kỹ thuật đã cho thấy hiệu quả và được ứng dụng mở rộng như phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên; phục tráng giống lúa nếp hạt cau tại HTX Ninh Nhất với diện tích 10ha; trồng cây dược liệu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại xã Ninh Tiến, phường Ninh Sơn; trồng và chăm sóc cây quất cảnh, quất thế, các loại hoa đô thị, hoa hồng tại phường Ninh Sơn, xã Ninh Phúc...
Kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, ứng dụng KHKT đã góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích: năm 2017 giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 104,1 triệu đồng, tăng 44,1 triệu đồng so với năm 2008.
Đối với chăn nuôi, được thành phố định hướng phát triển theo hướng gia trại và trang trại để hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các trạm chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, tham gia các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi chim trĩ, cua đồng, nhím, thỏ, cá rô đầu vuông, vịt trời... tại phường Ninh Phong, Nam Bình, xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc...
Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hàng năm đã chỉ đạo tiêm phòng và tiêu độc khử trùng chuồng trại cho toàn bộ các hộ chăn nuôi và các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm. Nhiều hình thức được áp dụng trong xử lý chất thải trong chăn nuôi như làm hố ủ, xây hầm biogas, sử dụng chế phẩm EM và chất lót nền trong hệ thống chuồng trại... đã góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Cùng với việc thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, thành phố quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn. Qua đó góp phần tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời là điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giảm dần sự cách biệt chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là làm giảm áp lực lao động ở nông thôn đổ về thành thị tìm việc làm.
Do đó từ năm 2008 thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Ninh Phong với diện tích trên 10ha, đồng thời ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất, vay vốn, đầu tư... Sau 10 năm hoạt động, đến nay Khu tiểu thủ công nghiệp-làng nghề Ninh Phong thu hút được 11 doanh nghiệp và 50 hộ gia đình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 850 lao động thường xuyên. Năm 2018 thành phố đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Cầu Yên tại phường Ninh Phong với diện tích 13,7ha.
Cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng với các ngành nghề thu hút như: Các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử; các dự án thủ công mỹ nghệ, thêu ren, may mặc. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là lao động khu vực nông thôn và lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.
Xuân Trường