Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khoảng 486,6 tấn/ngày, trong đó thành phố Ninh Bình phát sinh khoảng 95 tấn/ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động với công suất khoảng 350 tấn/ngày được xây dựng tại thành phố Tam Điệp và huyện Yên Khánh.
Rác thải của thành phố được thu gom hàng ngày và vận chuyển bằng xe ô tô chuyên dụng về Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp để xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 90%, trong đó tỷ lệ thu gom ở 3 xã ngoại thành đạt khoảng 85%. Việc thu gom chủ yếu là thủ công, xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt và chôn lấp. Việc phân loại rác bước đầu đã được hình thành trong các khu dân cư, người dân tự phân loại một phần rác thải có thể tái chế; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ quả... được tận dụng cho chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phân loại chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, dưới 10%.
Thực tế, việc quản lý, xử lý chất thải rắn ở thành phố còn nhiều bất cập từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, tình trạng xả rác thải không đúng nơi quy định tại các khu vực công cộng vẫn còn diễn ra phổ biến làm mất cảnh quan sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, thành phố đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều khu dân cư, tuyến phố, người dân xây dựng các công trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa đã lợi dụng đường phố, vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và lợi dụng những bãi đất trống để đổ chất thải trong xây dựng như gạch đá, hồ vữa, các loại phế thải... diễn ra khá phổ biến, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.
Với quyết tâm xây dựng thành phố Ninh Bình theo tiêu chí đô thị loại I, sớm trở thành thành phố du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, thành phố xác định công tác bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, do vậy những năm qua thành phố Ninh Bình đã chủ động huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác xử lý chất thải. Đồng thời từng bước thay đổi nhận thức và tạo cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này. Thành phố Ninh Bình cũng chỉ đạo các phường, xã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường. Tích cực áp dụng các thành tựu khoa học, kinh nghiệm quản lý hiệu quả vào thực tiễn của thành phố.
Đồng chí Vũ Hoài Chương, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề xử lý rác thải rắn sinh hoạt, song đến nay thành phố Ninh Bình vẫn đang phải đối mặt với những bất cập đó là: Chi phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho việc xử lý chất thải quá thấp. Trong khi đó, chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia vào quá trình quản lý chất thải. Hiện nay, không chỉ có nhân dân mà ngay cả nhận thức, vai trò của một số nhà lãnh đạo và cơ chế, chính sách về lĩnh vực xử lý chất thải chưa theo kịp thực tế.
Trước thực trạng và khó khăn trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt các xã, phường trên địa bàn, thành phố Ninh Bình đã đưa ra những giải pháp như tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân tự phân loại rác thải ngay tại gia đình; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình đổ rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao và bền vững hơn, thành phố cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường tại các khu vực đô thị, các khu, các cụm công nghiệp. Nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm việc xả thải bừa bãi, đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật. Về lâu dài, thành phố Ninh Bình cần tiếp tục có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và xử lý chất thải rắn...
Xuân Trường