Công tác dân số - KHHGĐ của thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ đã được đưa vào các mục tiêu chủ yếu Đại hội Đảng bộ từ thành phố xuống cơ sở, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung các tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Các thôn, tổ dân phố đã gắn những quy định về việc thực hiện chính sách dân số -KHHGĐ khi xây dựng hương ước, quy ước và đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư.
Đồng thời, công tác thông tin, truyền thông được tăng cường, thực hiện đồng bộ, thường xuyên với những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng, đẩy mạnh truyền thông trực tiếp, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, các gia đình và toàn xã hội đối với công tác dân số-KHHGĐ; đại bộ phận các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận quy mô gia đình 2 con để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hàng năm, thành phố đã tổ chức tốt 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ trên toàn thành phố; đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS, chú trọng nâng cao trình độ cán bộ cung cấp dịch vụ, tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn, gắn liền với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ thích hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, tập trung vào những địa bàn khó khăn, những nhóm đối tượng trẻ... Hiện nay thành phố Ninh Bình đang triển khai thực hiện một số mô hình, đề án trong lĩnh vực dân số như: Đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh"; mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân"; đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh". Các mô hình, đề án được tập trung triển khai trên toàn thành phố và thu được những kết quả nhất định.
Được biết trong kế hoạch nâng cao chất lượng dân số, thành phố Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% vị thành niên, thanh niên trong cộng đồng được tư vấn và trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS; trên 50% thanh niên chuẩn bị kết hôn được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; trên 95% bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; trên 95% phụ nữ đang nuôi con nhỏ từ 0-3 tuổi được trang bị các kiến thức về chăm sóc và nuôi con nhỏ; giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh để đến năm 2020 đạt 115 bé trai/100 bé gái...
Các giải pháp được thành phố đề ra là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan chuyên môn, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể; vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; đưa tiêu chí về công tác dân số vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ về công tác dân số.
Vân Giang