Phường Vân Giang là đơn vị thực hiện khá tốt các mô hình, đề án, các nhiệm vụ công tác dân số-KHHGĐ của thành phố Ninh Bình. Đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Vân Giang cho biết: Phường Vân Giang là địa bàn trung tâm thành phố Ninh Bình, có mật độ dân cư đông với trên 5.600 nhân khẩu/14 phố, phụ nữ từ 15-49 tuổi là 1.329 người, trong đó phụ nữ có chồng là 907 người.
Thuận lợi của phường trong triển khai công tác dân số-KHHGĐ là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND phường và sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của phòng Dân số-KHHGĐ và Trung tâm Y tế thành phố. Đội ngũ cộng tác viên dân số các tổ dân phố nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc.
Cùng với đó, hằng năm, phường dành kinh phí cho hoạt động dân số; các hoạt động truyền thông về dân số-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản được lồng ghép tại hội nghị các ngành, đoàn thể nhằm tăng cường thông tin cho nhân dân; phường giao cho các đoàn thể trực tiếp phối hợp với chuyên trách dân số phường để triển khai hiệu quả các chỉ tiêu dân số…
Do đó, các chỉ tiêu về giảm sinh hàng năm đều đạt; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao, chiếm 77,2%; hàng năm thực hiện các biện pháp tránh thai đạt trên 79%; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%...
Đồng chí Đặng Hữu Lục, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình cho biết: Đề án "Nâng cao chất lượng dân số" thành phố Ninh Bình giai đoạn 2017-2020 đã được triển khai tại 100% xã, phường và các trường học trên địa bàn thành phố.
Để Đề án triển khai hiệu quả, thành phố đã thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan chuyên môn, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền trong thành phố xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đưa chỉ tiêu về công tác dân số vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và giai đoạn. Thực hiện tốt công tác cập nhật, theo dõi, quản lý dữ liệu dân cư và hồ sơ sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.
Tăng cường phối hợp với ngành y tế, các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố trong công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trạm y tế xã, phường và triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ khác của Đề án.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm những vấn đề còn tồn tại, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Đề án.
Xác định công tác tuyền thông có vai trò quan trọng trong thực hiện Đề án, Ban dân số-KHHGĐ từ thành phố đến phường, xã tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia thực hiện Đề án.
Chú trọng tuyên truyền Pháp lệnh Dân số, Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm y tế và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.
Tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; kết quả công tác dân số và nâng cao chất lượng dân số, tiến độ triển khai thực hiện đề án, các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác dân số.
Bên cạnh đó, thành phố huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, lồng ghép với các chương trình, mục tiêu thuộc lĩnh vực y tế - dân số và các chương trình, đề án của các tổ chức xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa trong thực hiện công tác dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Quan tâm tổ chức bồi dưỡng, đào tạo giảng viên cấp thành phố, cấp xã, phường về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, vận động, thuyết phục và cung cấp kiến thức về giới, giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho đối tượng là vị thành niên, thanh niên trong và ngoài nhà trường; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, sau gần 3 năm triển khai Đề án, thành phố Ninh Bình đã đạt được hiệu quả thiết thực: Đến năm 2019, có 100% các trường THCS trên địa bàn thành phố được cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 100%; trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh đạt 70%; người cao tuổi được khám, chữa bệnh và có sổ theo dõi về sức khỏe; 100% cán bộ y tế, dân số được tập huấn về kỹ năng tuyên truyền…
Trong 6 tháng đầu năm 2020, số trẻ sinh là 562 trẻ, thấp hơn 11 cháu so với 6 tháng đầu năm 2019; tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái; biện pháp tránh thai 6 tháng đầu năm đạt 75,8% so với kế hoạch cả năm 2020.
Bài, ảnh: Hồng Vân