Phóng viên:Thưa đồng chí, thông thường thời gian nâng cấp đô thị của các địa phương khác trong toàn quốc là khoảng 10-20 năm. Riêng đối với thành phố Ninh Bình, việc nâng cấp đô thị từ loại III lên loại II chỉ trong vòng hơn 8 năm. Thành phố đã tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như thế nào?
Đ/c Phạm Thanh Hà: Thành phố Ninh Bình có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, với nhiều thành tích đáng tự hào trong quá trình đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sau gần 60 năm được hoàn toàn giải phóng (kể từ 30-6-1954), thành phố Ninh Bình luôn khẳng định vai trò đầu tàu trong hệ thống đô thị của tỉnh Ninh Bình, được xác định là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh; trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp Quốc gia, có ý nghĩa Quốc tế; đồng thời là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng...
Sau hơn 8 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại III (ngày 2-12-2005) và hơn 6 năm kể từ khi được công nhận là thành phố (7-2-2007), được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành Trung ương và của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Ninh Bình đã phát huy truyền thống cách mạng, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khai thác tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kinh tế - xã hội thành phố ngày càng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó lấy dịch vụ-thương mại-du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố đã cơ bản được hoàn thiện, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, chất lượng đời sống của người dân thành phố được nâng cao, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố vững mạnh. Cùng với cơ chế chính sách thông thoáng của tỉnh, thành phố Ninh Bình đang trở thành điểm hấp dẫn thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình CNH-HĐH của tỉnh và khu vực.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thành phố (30-6-1954_30-6-2014), được sự quan tâm, chỉ đạo và ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố, Đảng bộ thành phố đã quyết tâm thực hiện mục tiêu rút ngắn lộ trình xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trong năm 2014 thông qua việc đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Đối chiếu với các tiêu chuẩn về phân loại đô thị, đến nay thành phố Ninh Bình đã cơ bản hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. Do đó, việc công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II sẽ là sự động viên, cổ vũ tinh thần to lớn đối với toàn thể chính quyền và nhân dân thành phố nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu; góp phần tạo động lực thúc đẩy để thành phố tiếp tục xây dựng phát triển, đồng thời là hạt nhân để mở rộng thành phố theo Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 21-1-2013.
Phóng viên: Với việc được công nhận là đô thị loại II, chắc hẳn thành phố Ninh Bình đã có những lợi thế riêng trong phát triển đô thị?
Đ/c Phạm Thanh Hà:Thành phố Ninh Bình nằm trong vùng kinh tế Đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc Bộ; ngoài ra còn được ảnh hưởng từ kinh tế vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế Bắc Trung Bộ trong sự phân công hợp tác cùng phát triển. Với điều kiện thuận lợi về giao thông, nhiều tiềm năng du lịch lại nằm trong khu vực tăng trưởng trọng điểm bao gồm 9 tỉnh phía Bắc, thành phố Ninh Bình sẽ đáp ứng nhu cầu dịch vụ lễ hội, du lịch tâm linh-văn hóa-sinh thái cho các tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội; đồng thời thực hiện được việc trao đổi hàng hóa công nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản với các tỉnh lân cận… Ngoài ra, bộ máy hành chính của chính quyền thành phố có bề dày kinh nghiệm và năng lực quản lý đô thị, đến nay đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đô thị loại II. Các phòng, ban chuyên môn của thành phố đã được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hầu hết có trình độ đại học, trên đại học, được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm quản lý đô thị; bộ máy chính quyền hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển đô thị trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, ý thức được việc xây dựng và phát triển đô thị nên tại các kỳ Đại hội, Đảng bộ thành phố đều ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất quyết liệt ở từng giai đoạn, từng thời kỳ, vì vậy thành phố Ninh Bình đã có những bước đi vững chắc, những thành công rất đáng phấn khởi. Bên cạnh đó, thành phố Ninh Bình luôn được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao của Trung ương, của tỉnh; sự giúp đỡ tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; sự ủng hộ, nhất trí của nhân dân. Với sự linh hoạt, sáng tạo của mình, thành phố Ninh Bình đã phát huy ngày càng tốt truyền thống đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp xã hội và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân. Đặc biệt là huy động được sự đồng tình, ủng hộ, trách nhiệm của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức kinh tế - xã hội, nhân dân trên địa bàn chung tay xây dựng thành phố. Trong một thời gian ngắn, thành phố Ninh Bình đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua yêu nước rất xác thực, hiệu quả, có sức lan tỏa cao, như: Phong trào nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình, vật kiến trúc để mở rộng hệ thống đường; xây dựng các công trình phúc lợi; chỉnh trang, làm đẹp đường phố; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...
Đến nay, cảnh quan đô thị của thành phố Ninh Bình đã thay đổi theo hướng tích cực và diện mạo của thành phố ngày một khang trang. 100% tuyến phố đều được gắn biển tên đường và nhà ở dọc theo mỗi tuyến đường đều được gắn biển số nhà. Các tuyến đường trục chính đô thị và trục chính khu vực đều được thảm nhựa nâng cấp mặt đường, xây dựng bó vỉa và lát gạch block vỉa hè... Công tác duy tu, bảo dưỡng đường thường xuyên được quan tâm và đảm bảo tốt việc lưu thông của các phương tiện cơ giới. Tại các tuyến phố, cây xanh, thảm cỏ ở các dải phân cách được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên. Công tác vệ sinh môi trường của thành phố được triển khai thực hiện theo hướng xanh - sạch - đẹp, mỗi ngày thành phố đều tổ chức các phương tiện như: xe phun nước rửa đường, tưới cây, xe thu gom rác thải... nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, công tác quản lý trật tự lòng, lề đường được duy trì bảo đảm đường thông hè thoáng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị, treo cờ trong các ngày lễ, các sự kiện được phổ biến thực hiện đến từng hộ gia đình…
Đối chiếu với 49 chỉ tiêu được quy định tại Thông tư só 34/2009/BXD ngày 30-9-2009 của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP, thành phố Ninh Bình đã cơ bản đạt được các tiêu chuẩn của đô thị loại II với số điểm: 86,18 điểm. Trong đó, 29 chỉ tiêu đạt và vượt mức tối đa tiêu chuẩn quy định đều thuộc các chỉ tiêu chính và quan trọng đối với việc phát triển đô thị, như: tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, nhà ở, không gian công cộng, công trình kiến trúc, hệ thống thông tin, viễn thông… Nhóm chỉ tiêu đạt trên mức điểm tối thiểu nhưng chưa đạt điểm tối đa, có tổng số 16 chỉ tiêu, gồm các chỉ tiêu như: Vị trí và tính chất đô thị; Thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; Dân số nội thị; Mật độ dân số; Cơ sở giáo dục, đào tạo (đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề); Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý; Tỷ lệ đường phố chính trong khu vực nội thị được chiếu sáng; Đất cây xanh đô thị; Khu đô thị mới... Đối với nhóm chỉ tiêu chưa đạt điểm (đạt 0 điểm) có 4 chỉ tiêu, bao gồm: Dân số toàn đô thị; Tỷ lệ thất thoát nước; Tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng; Số nhà tang lễ khu vực nội thị.
Phóng viên:Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung quản lý đô thị như thế nào để thành phố Ninh Bình ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại II?
Đ/c Phạm Thanh Hà: Thành phố Ninh Bình đã được công nhận là đô thị loại II, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm, phải phấn đấu. Để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tương xứng với chức năng của đô thị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng sẽ tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng sống của dân cư, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đối với nhóm các chỉ tiêu chưa đạt điểm nhằm khắc phục và hoàn thiện cơ bản về hạ tầng đô thị, đồng thời tiếp tục hoàn thiện đối với nhóm chỉ tiêu đã đạt điểm trên mức tối thiểu quy định nhưng chưa đạt được điểm tối đa; tập trung triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để tạo sự đột phá, tạo điểm nhấn ấn tượng và tăng cường sự chuyển biến về chất lượng đô thị theo các tiêu chí. Tiếp tục hoàn thiện đối với tất cả các nhóm chỉ tiêu nhằm phát triển đô thị một cách toàn diện và nâng cao chất lượng đô thị; phấn đấu đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đảm bảo tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt mức tối đa theo các tiêu chuẩn quy định về phân loại đô thị.
Với sự quan tâm của Trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thành phố Ninh Bình, quyết tâm phấn đấu xây dựng phát triển đô thị toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-văn hóa- xã hội, góp phần xây dựng thành phố Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững, xứng đáng với vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh Ninh Bình, là điểm sáng trên bản đồ đô thị Việt Nam…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Hạnh (thực hiện)