Để tổ chức triển khai thực hiện Quy chế mới về công nhận các danh hiệu văn hóa, thành phố Ninh Bình đã ban hành Hướng dẫn về việc đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa; tổ chức hội nghị triển khai Thông tư số 02 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết, tiêu chuẩn, trình tự thủ tục xét và công nhận "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị". Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng gia đình, thôn, phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã được Ban chỉ đạo các cấp quan tâm; quy trình đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn nên chất lượng phong trào được nâng lên. Năm 2014, toàn thành phố có 93% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; 82,2% thôn, phố đạt danh hiệu văn hóa; 91,3% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến. Hàng năm có trên 85% đám cưới, 92% đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh...
Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được phát động và triển khai rộng khắp ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Nhân các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và thành phố…, thành phố và các xã, phường đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, tennis, việt dã… được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ngoài ra, nhiều Câu lạc bộ TDTT như: võ thuật, bóng bàn, cầu lông, bi-a… hoạt động thường xuyên tại khu dân cư đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, thanh, thiếu niên tham gia. Năm 2014, toàn thành phố có trên 40% người luyện tập thể thao thường xuyên, trên 30% gia đình thể thao.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Đến nay, cấp thành phố có 1 Trung tâm văn hóa, 1 sân thể thao công cộng; có 14/14 nhà văn hóa xã, phường, 140/180 nhà văn hóa thôn, phố, 8/14 xã, phường có sân thể thao công cộng và hàng trăm sân chơi thể thao của các thôn, phố, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị. Các thiết chế văn hóa, TDTT cơ bản phát huy tốt công năng sử dụng, là nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân, là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.
Phong trào "Học tập, lao động, sáng tạo" được phát huy, nhất là trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức, người lao động, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Phong trào "Người tốt, việc tốt" và các điển hình tiên tiến được phát động rộng khắp ở các cấp, các ngành trong toàn thành phố.
Phong trào "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"; phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành Giáo dục và Đào tạo; phong trào "Thi đua quyết thắng" trong lực lượng vũ trang nhân dân; phong trào "Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo"; phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực. Qua các phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất, công tác, hoạt động xã hội...
Kết quả đạt được khi triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cho thấy, từ cơ sở hạ tầng đến diện mạo đô thị của thành phố ngày càng có sự đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại; những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng phố xóm, khu dân cư; góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Mỹ Hạnh