Ông Nguyễn Văn Hưng, quê ở Yên Khánh, hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho biết: Tiết Thanh minh năm nào, dù bận công việc đến mấy ông vẫn thu xếp thời gian để về quê đi tảo mộ, tri ân công đức tổ tiên và ngồi lại với họ hàng để cùng nhau tưởng nhớ về những người đã khuất.
Tuy nhiên năm nay, trước Chỉ thị 16 về thực hiện cách ly xã hội, hạn chế tối đa các phương tiện giao thông công cộng của Thủ tướng Chính phủ, ông chấp hành nghiêm túc và có những chuyển đổi để vừa báo hiếu được tổ tiên, vừa chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh.
Ông tâm sự: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tôi không thể về quê thanh minh như mọi năm nhưng tôi vẫn nhờ người anh họ ở quê ra dọn dẹp, nhổ cỏ phần mộ gia đình, thắp nén hương để giúp tôi tri ân những người đã khuất. Tôi cũng hẹn người anh họ của mình là chỉ âm thầm làm công việc này một mình, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay y tế để bảo vệ sức khỏe. Sau khi thắp hương xong thì chụp lại và gọi cho tôi để tôi thắp hương tại nhà trên Hà Nội, coi như mình bái vọng và thanh minh online vậy.
Lựa chọn của ông Hưng cũng là lựa chọn của nhiều người khi mùa Thanh minh năm nay diễn ra trong thời điểm cả nước đang thực hiện cách ly xã hội để đối phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Hữu Vương, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết: Quê tôi năm nào Thanh minh cũng tụ họp gia đình thành đoàn ra mộ rồi cùng nhau ăn bữa cơm đầm ấm nhưng năm nay cả họ thống nhất là không tổ chức gì, chỉ cử đại diện 1 người ra và khả năng sẽ để lại sau 14 ngày nữa, nghĩa là qua thời điểm thực hiện cách ly xã hội để tránh tình trạng những nhà khác cũng ra, dẫn đến tụ tập đông người. 2 tuần nữa vẫn trong tiết Thanh minh, nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn ra thắp hương tại khu mộ của dòng họ.
Còn nếu không thì để khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì ra thắp hương sửa sang phần mộ sau cũng chưa muộn vì nhớ ơn tổ tiên là cả đời. Không làm được trong tiết Thanh minh thì có chút tiếc nuối nhưng chỉ cần thành tâm thắp hương ở nhà cũng được, phòng chống dịch bệnh vẫn phải được đặt lên trên hết mặc dù lưu giữ nét đẹp văn hóa tâm linh ở tiết Thanh minh là việc làm cần được trân trọng.
Chia sẻ về Thanh minh năm nay, ông Nguyễn Văn Nghi ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh không nén được tiếng thở dài: Tôi bắt tay vào triển khai việc tu sửa phần mộ tổ tiên từ đầu tháng 2 âm lịch, khi dịch bệnh Covid-19 chưa diễn biến phức tạp như hiện nay để mong đến Thanh minh con cháu về có thể thắp hương gia tiên tiền tổ ở một nơi khang trang hơn.
Nhưng hiện nay, trước Chỉ thị về thực hiện cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, tôi cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh, cho thợ dừng việc sửa sang phần mộ, xây mộ đá, để khi nào dịch bệnh cơ bản được kiểm soát mới cho tiến hành tiếp.
Việc Thanh minh năm nay trong dòng tộc chắc cũng hạn chế, lúc đầu định tổ chức ăn như mọi năm sau khi tảo mộ nhưng gia đình đã bàn bạc qua điện thoại và thống nhất chỉ một người ra thắp hương. Hơi tiếc vì phải dừng công việc tu sửa phần mộ khi đã sắp hoàn thiện nhưng việc phòng chống dịch bệnh vẫn là trên hết, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều tán thành phương án dừng việc xây sửa mộ và tổ chức thanh minh online, nghĩa là từng gia đình sẽ thắp hương tại nhà và gọi điện cho nhau để nói chuyện, chia sẻ, trao đổi thông tin.
Có thể nói, mùa Thanh minh năm nay rất đặc biệt khi diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid diễn biến hết sức phức tạp và Chính phủ đã quyết định thực hiện cách ly xã hội 15 ngày. Chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng người và xe đông đúc tại các nghĩa trang, cũng sẽ không có việc ăn uống lãng phí tập trung đông người, đốt hàng mã quá nhiều gây ô nhiễm môi trường như những mùa Thanh minh trước.
Nhưng xét đến cùng, Thanh minh là dịp để con cháu báo hiếu theo truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" từ bao đời nay của ông cha, vì thế ở bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào chỉ cần thắp nén hương thơm với tấm lòng thành kính là đã có thể lưu giữ được trọn vẹn nét đẹp văn hóa này.
Minh Tâm