Vào những ngày tháng tư lịch sử này, TP Hồ Chí Minh cùng với cả nước có nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có vinh dự là nơi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, nơi chứng kiến sự sụp đổ vĩnh viễn của chế độ thực dân đế quốc, đưa dân tộc ta bước sang trang sử mới.
Ngày ấy là đỉnh cao chói lọi của lịch sử đất nước. Truyền thống ấy đang trở thành xung lực nội sinh làm bệ phóng cho đồng bào, đồng chí trong công cuộc dựng xây thành phố. Trong kháng chiến cũng như trong thời bình, TP Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò quan trọng đối với cả nước. Mỗi thành tựu của thành phố có được cho đến hôm nay là biểu hiện trách nhiệm vì cả nước, thấm thía nghĩa tình cả nước vì thành phố.
Thành phố mang tên Bác đang cùng cả nước thẳng tiến trên đường hội nhập và phát triển, luôn sôi động mà sâu lắng; hiện đại, trẻ trung, tươi mới mà vẫn giữ nét văn hóa truyền thống Việt Nam, tạo ấn tượng mạnh đối với bà con Việt kiều xa xứ mỗi lần về thăm quê hay trong tình cảm bạn bè quốc tế. Người dân thành phố cũng tự hào vì thành phố đẹp lên từng ngày.
Tốc độ đô thị hóa ở TP Hồ Chí Minh đang diễn ra nhanh chóng.
Gần 300 năm hình thành và phát triển, đến năm 1975, TP Sài Gòn xưa - TP Hồ Chí Minh nay chỉ mới đô thị hóa 12 quận, với ba trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh. 33 năm sau giải phóng, đến nay, các khu đô thị mới đã có diện tích lớn hơn 12 quận nội thành cũ; tỷ lệ đô thị hóa 49%, cao nhất cả nước.
Ðể phát triển thành phố trong tương lai, vừa qua Bộ trưởng Xây dựng ký trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Vùng TP Hồ Chí Minh là mô hình quy hoạch của một vùng đô thị lớn, lần đầu được lập để làm cơ sở cho việc phát triển thành phố và các tỉnh chung quanh. Việc chuyển sang mô hình phát triển vùng đô thị là phù hợp xu thế của các thành phố lớn ở châu Á: phân tán, đa cực, phi tập trung hóa. Có vậy mới giải quyết được căn bản các vấn nạn ùn tắc giao thông, quá tải dân số, ô nhiễm môi trường và sẽ chủ động điều phối được quan hệ giữa các đô thị trong toàn vùng về thị trường lao động, hàng hóa, vốn và các nguồn lực từ bên ngoài.
Sau hơn 30 năm, TP Hồ Chí Minh giữ vững vị trí trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Ðến nay, quy mô kinh tế thành phố hơn 200 nghìn tỷ đồng, khoảng 13 tỷ USD (75% tiềm lực kinh tế nhà nước thuộc các ngành trung ương quản lý)
đang góp phần vào 40% kim ngạch xuất khẩu, gần 30% ngân sách, 30% vốn đầu tư nước ngoài, 50% tổng tài sản tài chính, 20% GDP cả nước.
Bốn tháng đầu năm 2008, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng ở mức cao, đáng ghi nhận là khu vực kinh tế dân doanh đã có 6.386 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký gần 47 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng số vốn đầu tư trên địa bàn thành phố. Thu ngân sách thành phố đạt 42% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm nhìn lại, thành phố cũng còn không ít yếu kém, bất cập, mà người dân thành phố chưa thể hài lòng. Thành phố đang phát triển trong sự quá tải và bừa bộn, tự phát, mất trật tự. Trong nội thành, đường phố ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bệnh viện, trường học quá tải, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng. Còn ở ngoại thành, nỗi lo lớn nhất của nông dân là mất đất canh tác. Ðất trồng lúa ở TP Hồ Chí Minh đến đầu năm 2008 đã mất 2.200 ha so với năm 2006. Ðó là con số Sở Nông nghiệp thành phố mới công bố.
Tháng tư này, chúng tôi có dịp trở lại tam giác Củ Chi - Trảng Bàng - Ðức Hòa, nơi chúng tôi cùng đồng đội chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh. Hồi ấy, Củ Chi là vùng oanh kích tự do của địch, là vùng đất chết, đạn bom càn xới, không bóng người qua lại. Hậu quả chiến tranh để thật nặng nề, đã hủy diệt hầu như toàn bộ hệ sinh thái và nguồn sống của con người, 100.000 ha đất bị hoang hóa, lở loét những hố bom. Sau giải phóng, với sự nỗ lực của Ðảng bộ và nhân dân thành phố, "vành đai trắng" dần trở thành "vành đai xanh". Nhân dân ngoại thành bắt tay dựng xây cuộc sống mới. Ðồng ruộng xanh lại một vệt từ Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Củ Chi bây giờ điện sáng đến từng nhà, đường ô-tô liên ấp liên xã đều trải nhựa. Cuộc sống người dân vùng quê đã no ấm; bộ mặt nông thôn đã khang trang. Nhưng nhân dân còn không ít băn khoăn, lo lắng, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh mang lại nhiều lợi ích, song cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như giải quyết việc làm cho nông dân mất đất sản xuất; ô nhiễm môi trường; diện tích canh tác bị thu hẹp ảnh hưởng an ninh lương thực... Theo định hướng phát triển của UBND huyện, từ nay đến năm 2020, Củ Chi sẽ có hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp ra đời và lấy đi hàng nghìn ha đất lúa.
Cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa là bảo đảm môi trường trong lành; giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn... Thực tế này đang đòi hỏi Ðảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh phải có giải pháp thấu đáo, hợp lý, để bảo đảm thành phố phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế của cả nước và xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước dành cho thành phố mang tên Bác Hồ.
Theo Nhandan