Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết mục tiêu, kế hoạch của vụ sản xuất đông xuân 2008-2009, cũng như thuận lợi và khó khăn?
Đồng chí Trần Văn Bách: Vụ sản xuất đông xuân 2008-2009 là vụ sản xuất thứ 4 của ngành Nông nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần tỉnh lần XIX và Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển vụ đông, với mục tiêu tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH - HĐH và sản xuất hàng hóa bền vững.
Đây là vụ sản xuất mà chúng ta có những thuận lợi cơ bản là: Tại Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa X đã ra nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về các vấn đề trên. Mặt khác cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp trên địa bàn ngày càng được củng cố và tăng cường; khoa học công nghệ phát triển nhanh, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, cây trồng, con nuôi, giá vật tư phân bón có xu hướng giảm… Đây là những điều kiện thuận lợi cơ bản để vụ đông xuân giành thắng lợi.
Nông dân xã Gia Phú (Gia Viễn) cấy lúa đông xuân. Ảnh: Thế Minh.
Tuy nhiên, vụ sản xuất này thường gặp phải thời tiết diễn biến bất lợi, rét đậm, rét hại, hạn hán… Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; cây trồng vẫn có chiều hướng phát sinh, phát triển mạnh với quy mô và mức độ lớn.
Tranh thủ, tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn…,ngành Nông nghiệp phấn đấu trong vụ sản xuất này gieo cấy 40.000 ha lúa với năng suất đạt 63 tạ/ha (trong đó có 14.000 ha lúa cao sản); trồng 2.500 ha ngô, năng suất 70 tạ/ha, 5.000 ha lạc, năng suất đạt 21 tạ/ha; 400 ha cói, năng suất 90 tạ/ha; 1.800 ha sắn, năng suất 150 tạ/ha; 1.500 ha mía, năng suất 600 tạ/ha.
P.V: Thưa đồng chí, nét khác của vụ đông xuân năm nay là gì?
Đồng chí Trần Văn Bách: Vụ đông xuân 2008-2009 có nét đáng chú ý là năm nay nhuận tháng 5 (âm lịch) và mùng 9 Tết Kỷ Sửu (tức 3-2-2009) mới lập xuân, nên các công việc gieo mạ, gieo cấy lúa đông xuân chủ yếu tập trung sau Tết Nguyên đán, nhưng vẫn phải đảm bảo cấy hết diện tích lúa đông xuân trước ngày 25-2-2009.
Một điểm khác nữa là thực hiện chủ trương của tỉnh, trong vụ sản xuất này, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 14.000 ha giống lúa cao sản trở lên, với các giống: Phú ưu 1, Phú ưu 978, Thục hưng số 6, CNR 5104, My son 4, B-TE1. Mới đây UBND tỉnh đã có Quyết định số 39/QĐ-UBND, ngày 14-1-2009 về việc hỗ trợ mua giống lúa cao sản cho các địa phương trong vụ đông xuân 2008-2009. Theo đó, huyện Nho Quan có 1.900 ha, Hoa Lư 800 ha, Gia Viễn 1.900 ha, Yên Mô 3.400 ha, Yên Khánh 2.700 ha, Kim Sơn 3.500 ha, thành phố Ninh Bình 390 ha, thị xã Tam Điệp 400 ha.
P.V: Tiến độ của vụ sản xuất đông xuân đến nay đã đạt được như thế nào?
Đồng chí Trần Văn Bách: Các công việc, công đoạn của vụ sản xuất đã được các địa phương và nông dân tích cực, chủ động chuẩn bị từ những ngày trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu như: Nạo vét kênh mương, bồi trúc bờ vùng bờ thửa; chuẩn bị giống, vật tư, phân bón; huy động các phương tiện làm đất… Tùy điều kiện địa hình, đất đai, tập quán canh tác từng vùng mà bố trí cơ cấu trà lúa, giống lúa sao cho phù hợp, đạt kết quả cao.
Đến thời điểm ngày 4-2 (tức ngày 10 âm lịch), các địa phương trong tỉnh đã làm đất được 40.339,5 ha, đạt 99% kế hoạch; đã gieo 1.681,7 ha mạ và cấy được 5.953 ha. Diện tích lúa cấy chủ yếu thuộc trà xuân sớm nằm ở các huyện: Nho Quan 3.000 ha, Gia Viễn 1.800 ha, Yên Mô 200 ha, thị xã Tam Điệp 470 ha, Hoa Lư 478 ha, Yên Khánh 5 ha. Trong thời gian tới sẽ là thời kỳ cao điểm của việc gieo cấy lúa đông xuân. Toàn tỉnh cũng đã trồng được 3.364 ha lạc; 849 ha ngô, 33 ha khoai lang, 187,8 ha rau các loại.
P.V: Đồng chí có khuyến cáo gì với bà con nông dân trong tỉnh?
Đồng chí Trần Văn Bách: Trong mấy ngày gần đây, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất. Đó là điều kiện thuận lợi cơ bản để sản xuất vụ này. Người nông dân cần tập trung nhân lực, vật lực làm tốt các khâu cho vụ sản xuất; làm đất nhuyễn đảm bảo "đất chờ mạ"; gieo mạ đúng lịch, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo 100% được che phủ bằng nilon trong.
Rút kinh nghiệm của vụ đông xuân năm trước, rét đậm, rét hại có thể còn xảy ra, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án chống rét cho mạ, cây trồng và gia súc, gia cầm. Khi mạ đã đủ tuổi, tập trung nhân lực gieo cấy nhanh lúa đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất và đạt được cơ cấu giống theo kế hoạch.
Khâu chăm sóc, bảo vệ cũng phải được đặc biệt quan tâm như đảm bảo đủ nước trên ruộng vừa chống rét cho lúa mới cấy vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Thực hiện bón phân đầy đủ, kịp thời và hợp lý. Theo dõi sát đồng ruộng, phát hiện và tổ chức phòng chống dịch bệnh kịp thời.
Song song với công việc gieo cấy lúa đông xuân thì việc trồng các cây màu vụ xuân, trồng cây xanh, trồng rừng cũng phải được tiến hành kịp thời và làm tốt công tác diệt chuột trong thời gian này. Tích cực, chủ động phát triển đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Vụ sản xuất đông xuân có ý nghĩa lớn trong năm kế hoạch. Thắng lợi của vụ sản xuất này sẽ là điều kiện tiền đề và là động lực cho việc giành thắng lợi ở các vụ sản xuất tiếp theo.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)