Dạo một vòng qua đường Quyết Thắng (Tp. Ninh Bình), chúng tôi thấy có nhiều quán chuyên phục vụ các món ăn từ gia cầm. Những con vịt quay, vịt luộc, trứng non vàng suộm trông rất bắt mắt, bày bán ngay ven đường, người xe qua lại, bụi bặm nhưng không có tủ kính che đậy. Tại khu vực chợ Rồng có hàng chục quán ăn " thiết kế" hết sức đơn giản, có mái che nhưng không có tường ngăn cách, hàng nọ nối tiếp hàng kia. Thực phẩm sống, chín cùng bày trên chiếc bàn gỗ chỉ cách mặt đất vài chục cm. Giữa trưa hè, mùi mỡ rán, xào nấu lẫn với mùi nước ô nhiễm từ sông Vân hắt lên khiến chúng tôi rùng mình. Đáng ngại hơn là cảnh thiếu nước tại quán, thường chỉ có 2 xô nước dùng để rửa bát cho nhiều lượt người ăn. Anh Nguyễn văn T, người huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết: Tôi vẫn thường sang Ninh Bình kiếm việc làm, ai thuê gì làm nấy. Bữa trưa tôi vẫn đến đây ăn cơm. Cảnh làm thuê không nhiều tiền nên ăn uống qua loa cho xong.
Được biết, người đến ăn tại những quán chợ chủ yếu là dân lao động, họ làm đủ nghề, từ bốc vác, xích lô, buôn bán vặt. Với họ ăn cho no là tiêu chí số một, do đó vấn đề VSATTP trở thành thứ yếu. Tạm xa quán chợ, trên đường về chúng tôi còn gặp rất nhiều kiểu phục vụ ăn uống tới tận tay " thượng đế". Chỉ cần đỗ xe ngay bên đường là người ta có thể mua được đồ ăn cho cả gia đình, từ canh rau, cá kho, nem rán, thịt nướng đến các đồ ăn sáng như xôi, bánh bao, bánh mì patê… Điều lạ là rất ít cửa hàng có dụng cụ che đậy, trong khi đường sá rất nhiều bụi. Khi hỏi tại sao không bày thực phẩm vào tủ kính cho hợp vệ sinh, nhiều chủ hàng không ngần ngại nói: bán hàng lời lãi chẳng được bao nhiêu nên không thể đầu tư được, vả lại làm như vậy cồng kềnh, khó di chuyển. Có người còn nói bày thế này dễ nhìn và bán cũng dễ hơn.
Việc tồn tại kiểu phục vụ "thức ăn đường phố" có thể coi như lẽ đương nhiên, có cung sẽ có cầu. Nhất là trong điều kiện hiện nay khi một bộ phận không nhỏ người lao động còn đang bận rộn kiếm sống, thời gian ít, do đó sự xuất hiện của thức ăn đường phố đã đáp ứng được nhiều yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của loại hình phục vụ này cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết, đó là tình trạng không đảm bảo VSATTP, nhiều khi ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu kiểm tra điều kiện VSATTP, nhất là vệ sinh ngoại cảnh thì những quán ăn trên có đạt yêu cầu? Có bao nhiêu chủ quán và người phục vụ thực hiện khám sức khỏe định kỳ? thực phẩm đưa vào chế biến có kiểm soát được nguồn gốc…
Theo phân cấp quản lý, thức ăn đường phố thuộc đối tượng quản lý của chính quyền cấp xã, phường nhưng qua quan sát của người tiêu dùng thì thức ăn đường phố đang được thả nổi. Các đoàn thanh tra liên ngành dường như không thể với tới "thức ăn đường phố", còn chính quyền cơ sở lại coi đó là việc của các ngành chức năng.
Trong khi chờ những thay đổi từ việc quản lý loại hình " thức ăn đường phố", người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi sử dụng những loại thức ăn này. Không nên ăn những thức ăn chế biến sẵn mà không có bao gói, dụng cụ bảo quản. Không ăn ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, nhất là những quán ăn dong, quán chợ, vỉa hè. Nếu người tiêu dùng tẩy chay, không chấp nhận, chắc chắn người kinh doanh sẽ phải tự thay đổi cách phục vụ, đầu tư cho việc nâng cấp cơ sở vật chất và chấp hành các quy định về VSATTP.
Đức Huy - Phạm Trường