Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và đề dẫn hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị còn có Tiến sỹ Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam.
Cùng dự có đại diện Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT- DL), Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh; đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), Trường Đại học Queen & Cambridge (Vương quốc Anh).
Hội nghị nhằm xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành chỉnh sửa Kế hoạch quản lý, bổ sung nội dung quản lý du lịch, khảo cổ học, phân vùng quản lý và điều chỉnh ranh giới của khu Di sản để thể hiện đầy đủ các khu vực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo yêu cầu của Ủy ban Di sản Thế giới.
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng được đón các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế về dự hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định hơn một năm qua, kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, những chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai tích cực.
Tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; ban hành nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản; ban hành quy chế quản lý tạm thời về xây dựng trong khu di sản; triển khai xác định các mốc giới, ranh giới vùng di sản để cắm mốc giới, biển báo vùng lõi.
Đến nay các giá trị đặc biệt, độc đáo của Tràng An được giữ gìn, bảo tồn, quảng bá tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Những tiềm năng, thế mạnh của di sản đã được phát huy, đem lại những đổi thay tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, Di sản thế giới Tràng An cũng đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức cần phải giải quyết như việc nhận diện, ngăn ngừa các nhân tố, sức ép tác động tiêu cực đến di sản; giữa bảo tồn nguyên vẹn những giá trị của di sản và phát triển du lịch; vấn đề quản lý di sản với những mục tiêu nhằm phát huy bền vững các giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO, tỉnh Ninh Bình đã giao cho Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An phối hợp với các cơ quan có liên quan, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế tiến hành chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh Kế hoạch quản lý Di sản gửi đến Trung tâm Di sản Thế giới trước ngày 1/12/2015.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sỹ Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa thiên nhiên của nhân loại.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Bình tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan rà soát các quy định trong luật di sản cùng với văn bản hướng dẫn thi hành, hướng dân thực hiện công ước bảo vệ Di sản, các nội dung khuyến nghị của Unesco để triển khai làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An, giữ gìn giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, xác thực của Di sản.
Triển khai tốt công tác tuyên truyền, quảng bá để du khách, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế biết và tới tham quan, tìm hiểu giá trị của Di sản.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo huyện Hoa Lư, Gia Viễn và doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) phát biểu, chia sẻ, phân tích các vấn đề về chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên di sản, quản lý về xây dựng trong khu di sản, phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường di sản, mốc giới, biển báo vùng lõi và vùng đệm của Di sản.
Các đại biểu cũng đưa ra giải pháp, khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, những việc cần phải giải quyết, đồng thời phải nhận diện được sức ép tác động tiêu cực đến Di sản, hạn chế sức ép quá mạnh từ các hoạt động du lịch, gia tăng dân số...
Từ những tham vấn của các chuyên gia sẽ là cơ sở quan trọng để Ninh Bình bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch quản lý di sản phù hợp với thực tiễn của di sản, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của UNESCO.
Tin, ảnh: Minh Đường