Phần lớn diện tích rừng của xã nằm tập trung ở phía Tây Bắc giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Dân cư của xã sống rải rác, phân bổ không đều, cuộc sống của người dân chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên đời sống nhân dân vẫn phụ thuộc vào việc phát triển nghề rừng. Những năm trước đây, trên địa bàn vẫn thường xảy ra tình trạng cháy rừng, nguyên nhân chủ yếu là do rừng ở đây có lớp thực bì dầy, ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) còn hạn chế, một số người còn hay vào rừng đốt ong gây ra những vụ cháy rừng ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng trồng và rừng đã được khoanh nuôi bảo vệ, nâng cao đời sống cho nhân dân và bảo vệ môi trường, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã làm tốt công tác PCCCR. Diện tích rừng hiện có của xã được phân ra 3 trọng điểm để PCCCR đó là: Khu đồi thông Bãi Lóng, khu rừng tái sinh Đầm Bòng và khu rừng tái sinh giáp ranh với huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). Trọng điểm PCCCR được xác định là khu đồi thông của xã, khu này có diện tích là 22 ha, ở đây rừng thông có địa hình tương đối phức tạp, độ dốc bình quân 40-50 độ, thực bì dầy.
Phương án PCCCR của xã được đặt ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân nâng cao ý thức PCCCR; xây dựng quy ước, hương ước quản lý, bảo vệ rừng trong toàn xã. Tăng cường bổ sung đường băng cản lửa, sửa chữa đường băng trắng ở vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Chuẩn bị tốt các loại phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác PCCCR. Xã đã thành lập Ban chỉ huy PCCCR do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Các thôn, bản có những tổ, đội PCCCR. Căn cứ vào dự báo thời tiết, dự báo cấp cháy rừng để ban chỉ huy PCCCR chỉ đạo công tác PCCCR.
Theo phương án đã được xây dựng, nếu dự báo cấp cháy rừng từ cấp 3 trở lên thì Ban chỉ huy PCCCR của xã phải trực 24/24h tại trụ sở UBND xã để nắm bắt thông tin, kịp thời chỉ đạo các tổ, đội PCCCR ở các thôn bản triển khai kế hoạch phòng, chống cháy. Khi có cháy rừng xảy ra, các thôn bản phải kịp thời báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo PCCCR của xã và triển khai thực hiện phương án 4 tại chỗ để triển khai công tác chữa cháy.
Phương án được đặt ra là nếu đám cháy nhỏ hơn 500 m2 thì Ban chỉ huy ở địa bàn xảy ra cháy rừng huy động lực lượng tại chỗ để dập tắt đám cháy. Nếu đám cháy lớn hơn 500 m2 thì Ban chỉ huy PCCCR huy động lực lượng ở các thôn, bản bên đến chữa cháy. Nếu diễn biến của đám cháy có chiều hướng phức tạp thì Ban chỉ huy PCCCR cấp xã phải huy động toàn bộ lực lượng trên địa bàn để chữa cháy; đồng thời phải báo cáo kịp thời cho ban chỉ huy PCCCR của huyện để có phương án tối ưu dập tắt đám cháy. Ban chỉ huy PCCCR của xã phân công cụ thể trách nhiệm cho các đồng chí thành viên lo các khâu như: Phương tiện để di chuyển lực lượng, vận chuyển dụng cụ chữa cháy, công tác hậu cần cho việc PCCCR...
Để làm tốt công tác PCCCR, UBND xã cũng đã có kiến nghị với lực lượng kiểm lâm và UBND huyện một số công việc cần thiết phục vụ cho công tác PCCCR, đó là: Xây dựng chòi canh lửa tại khu đồi Tỷ - thôn Bãi Lóng, xây dựng các hồ đập ở các khu vực: Đầm Rừng, Bãi Lóng để dự trữ nước trong mùa khô phục vụ cho việc chữa cháy rừng. Tu sửa biển báo đã cũ, xây dựng biển cảnh báo cháy rừng mới tại đường cây của thôn Đầm Bòng, ngã ba thôn Tiền Phong và khu rừng tái sinh Đầm Rừng. Hỗ trợ kinh phí để phục vụ cho công tác tuyên truyền và PCCCR của xã.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp