Và từ thuở xa xưa người Mường ở Nho Quan vẫn thường đón xuân về và vui xuân với những quả còn tung liệng, những cây nêu đón rước tổ tiên, những cuộc hát Sắc bùa (thắc bùa) để đáp ứng nhu cầu của con người trong cả "cõi thiêng" và "cõi tục". Đây cũng là loại hình dân ca độc đáo của riêng người Mường và đặc biệt hơn nó vẫn được duy trì thường xuyên vào mỗi dịp tết đến, lễ hội ở mỗi bản làng của Nho Quan.
Dân ca là một thể loại đặc sắc nhất của dòng chảy văn hóa dân tộc Mường, là kho tàng dân ca truyền thống của người Việt cổ bởi sự phong phú về giai điệu, hàm súc về nội dung biểu đạt và đa dạng về địa điểm, thời gian, không gian. Người Mường hát dân ca khi lao động sản xuất ngoài nương rẫy, hát ru và hát răn dạy con cái, người thân trong nhà, lễ hội truyền thống... Trong đố nổi bật hơn cả là những làn điệu dân ca trong hát Sắc bùa, đây là hình thức dân ca phổ thông nhất mà chỉ có đồng bào Mường mới hát được. Hát Sắc bùa là một loại ca hát kết hợp diễn xướng dân gian của dân tộc Mường vào dịp đầu xuân, có thể coi hát Sắc bùa là một lối hát "chúc tết". Người Mường ở Ninh Bình không biết Sắc bùa có từ bao giờ chỉ thấy nó thường xuất hiện vào mỗi dịp tết đến, xuân về với những câu hát chúc tụng, mang tính khích lệ để đáp ứng niềm mong ước vươn tới một đời sống ấm no, thịnh vượng. Phường hát Sắc bùa thường được tụ họp lại vào mỗi dịp cuối năm và hình thành từng tốp để đến từng nhà hát chúc tết vào đầu năm mới. Cả phường theo hướng dẫn của người đứng đầu gọi là "Trùm phường". Mỗi phường có một ông trùm, ăn mặc khác hơn cả đoàn, cầm chịch điều khiển. Người này thường là người có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. Phường bùa của người Mường ở Ninh Bình thường có trên chục người, trong đó có người chuyên đánh cồng chiêng, số còn lại chuyên hát. Nét riêng của Sắc bùa so với những thể loại dân ca khác của người Mường như: hát Rằng thường, hát Đúm, Bộ mẹng... là có cả tiếng cồng, chiêng dùng để đệm trong từng làn điệu. Cồng, chiêng là loại nhạc cụ duy nhất trong cuộc hát Sắc bùa và trước kia mỗi phường bùa ở Nho Quan có dàn cồng, chiêng gồm 8 loại với kích cỡ to nhỏ khác nhau: cồng tiểu, cồng trung, cồng đại. Chính điều đó làm nên dấu ấn riêng về những phường bùa của người Mường nơi đây mà bất kỳ ai đã từng được nghe đều ấn tượng về những câu hát, ứng tác lời ca, ứng khẩu với những câu chúc tụng ngày xuân phù hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình.
Chị Đinh Thị Duyên, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan kể: Mở đầu cuộc hát Sắc bùa ở Nho Quan phường bùa thường tụ họp ở nơi trung tâm bản, đánh cồng, chiêng với âm thanh rộn rã rồi lần lượt đi đến từng nhà trong bản. Hát xong ở sân, chuyển sang hát bài "gọi cửa" chủ nhà: "Chúc cho ông trên đụn/ Bà trên nhà/ Hết năm cũ đã qua/ Bước sang năm mới/ Làm nên ăn, giàu có/ Cơm kho, lọ tiếng/ Con cái vương trưởng/Muốn gì được nấy..." và chủ nhà cũng có những câu hát đối mời phường bùa vào hát trong nhà như: "Dạ ơn/ Có lòng dạ ơn, phường Bùa đã đến nhà/ Phường Bùa quá độ vào nhà/ Mời trầu, mời nước/ Để hát cho vui cửa vui nhà/ Làm ăn khấm khá...". Ngoài ra, xưa kia trước khi mở đầu cuộc hát Sắc bùa ở mỗi nhà thường có tục "tróc quỹ", "trừ tà" và việc này do chính "Trùm phường" hoặc một thầy cúng tiến hành. Nhưng đến nay, do có sự thay đổi về nhận thức nên người Mường ở Nho Quan không còn duy trì tục lệ này nữa. Bên cạnh đó, những phường bùa ngày nay ở Nho Quan chủ yếu là người già vì hầu hết lớp trẻ đang có sự mai một về những làn điệu dân ca trong hát Sắc bùa.
Hát Sắc bùa không chỉ là nét đẹp truyền thống của ngày xuân mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, là món ăn tinh thần trong niềm vui đón chào năm mới của người Mường nơi đây. Nó làm sống lại trong ký ức người cao tuổi bao kỷ niệm về một thời tuổi trẻ say sưa cùng những lời chúc tụng trong làn điệu Sắc bùa. Và đây cũng là loại hình độc đáo mang tính văn nghệ chủ yếu sử dụng nét văn hóa đậm đà truyền thống của người Mường. Tuy nhiên việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và phổ biến dân ca Mường còn rất hạn chế nên việc bảo tồn và phát triển những làn điện dân ca trên chủ yếu dựa vào truyền miệng.
Ông Nguyễn Cao Hòa - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nho Quan cho biết: Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng để tìm cách lưư truyền lại những nét văn hóa đặc sắc trên nhờ các già làng, những người biết hát Sắc bùa ghi chép và truyền dạy lại cho con cháu, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các xã... để những làn điệu dân ca có cơ hội vang lên trên khắp các bản làng. Và để mỗi khi nhắc tới Sắc bùa người Mường lại thấy nôn nao, cảm xúc dâng trào đón chờ một mùa xuân mới về.
Linh Nhi