PV: Xin ông cho biết kết quả trồng cây, trồng rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua? Ông Nguyễn Văn Dương: Những năm qua, Tết trồng cây không chỉ trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ riêng năm 2015, toàn tỉnh đã trồng được gần 900 nghìn cây phân tán các loại; công tác quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng, đã khoán, khoanh nuôi bảo vệ gần 15 nghìn ha rừng cho các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn.
Hiện nay, Ninh Bình có gần 30.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm xấp xỉ 20% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố hầu hết trên các vùng sinh thái trong tỉnh, từ vùng bán sơn địa đến vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn mang lại giá trị to lớn trong phòng hộ, giữ đất, giữ nước, ngăn sóng bảo vệ đê biển. Đặc biệt, phần diện tích rừng phân bố trên núi đá vôi, có giá trị đa dạng sinh học cao; là tài nguyên quý giá để phát triển du lịch sinh thái.
Năm 2014, khu rừng văn hóa- lịch sử- môi trường Hoa Lư nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đây là niềm vinh dự to lớn đối với tỉnh Ninh Bình, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa và thiên nhiên của Quần thể danh thắng Tràng An Ninh Bình.
PV: Kế hoạch cũng như những nét mới của Tết trồng cây mùa xuân 2016 là gì thưa ông? Mục tiêu, số lượng cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Dương: Nét mới của Tết trồng cây năm 2016 là phát động trồng cây hướng vào chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng, tránh hình thức, phong trào. Trồng gắn với tạo cảnh quan xanh cho đường phố, làng quê nông thôn mới. Các địa phương trồng cây theo quy hoạch cụ thể, tạo những con đường cây chuyên đề. Trồng đến đâu giao cho người dân hoặc đoàn thể chăm sóc, quản lý, bảo vệ đến đó, không trồng tràn lan.
Năm nay, toàn tỉnh tổ chức lễ phát động Tết trồng cây đầu xuân đồng loạt vào ngày 15-2-2016 tức là ngày 8 tháng giêng năm Bính Thân. Phấn đấu toàn tỉnh ngay trong ngày phát động Tết trồng cây sẽ trồng được khoảng 5.000 cây và 100.000 cây các loại trong đợt phát động. Phấn đấu trồng rừng, trồng cây phân tán đạt 1 triệu cây các loại.
PV: Hiện nay người dân đang rất quan tâm đến vấn đề là Ninh Bình nên trồng cây gì, trồng thế nào thì phù hợp. Là cơ quan chuyên môn, ông có lưu ý gì về mặt tiêu chí và kỹ thuật khi chúng ta trồng cây cảnh quan?
Ông Nguyễn Văn Dương: Đây là vấn đề mà hiện chúng tôi cũng đang quan tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng, đề xuất hướng đến mục tiêu là đưa ra một quy định hay khuyến cáo những loài cây nên trồng, hạn chế trồng hay không trồng gắn liền với từng khu vực cụ thể trên địa bàn tỉnh để các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham khảo, thực hiện. Tránh trường hợp hiện nay một số cơ quan, tổ chức, đơn vị tự đầu tư, mua các chủng loại cây khác nhau theo sở thích, tự ý trồng, không có quy hoạch, định hướng của chính quyền và cơ quan chuyên môn.
Trên thực tế hiện nay, một số loài cây như cây sấu, bàng, phượng vĩ hiện đang trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh mang lại bóng mát nhanh, tuy nhiên chúng đã gây ra hiện tượng phá vỡ cơ sở hạ tầng đường phố, vỉa hè, lòng đường, hiện tượng rụng lá hàng loạt vào mùa đông gây mất mỹ quan đô thị.
Vì vậy trong thời gian tới định hướng từ phía các cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp khuyến khích trồng các loài cây có cảnh đẹp, không phá vỡ kết cấu hạ tầng cơ sở đường phố, mang lại cảnh đẹp và mỹ quan đô thị như một số loài cây: sao đen, muồng hoàng yến, long lão, bàng Đài Loan,….
PV: Ngành nông nghiệp và các địa phương đã chuẩn bị cho Tết trồng cây như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Dương: UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Tết trồng cây năm 2016. Trong đó mỗi huyện, xã phải có ít nhất 1 điểm tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, yêu cầu cây giống phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đơn vị cung cấp cây giống phải có đủ năng lực, được cấp phép kinh doanh cây giống theo quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Lựu (Thực hiện)