Chúng tôi chậm rãi bước vào trong sân Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần, từng tốp bệnh nhân nhẹ nhàng đi lại, người thì tỉ mẩn sửa lại cây cảnh, người thì quét dọn công trình đang thi công… Những hình ảnh đó mang lại cho chúng tôi cảm giác yên bình, ấm cúng đến kỳ lạ. Cái tinh thần cảnh giác mà chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau trước khi vào Trung tâm đã biến mất tự lúc nào.
Ông Phạm Văn Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm ngậm ngùi, mặc dù trước Tết, Trung tâm đã vận động gia đình đón những bệnh nhân có tình trạng bệnh ổn định về ăn Tết cùng gia đình, song tỷ lệ bệnh nhân ở lại ăn Tết tại trung tâm vẫn rất cao. Đa phần họ đều là những bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không về ăn Tết cùng gia đình. Hiện, trung tâm đang điều trị cho 250 bệnh nhân. Đa phần, họ bị mắc bệnh thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, hoặc do những căn bệnh về não mà không được chữa trị kịp thời, hoặc do những sang chấn tâm lý về gia đình, công việc mà phát bệnh. Mỗi bệnh nhân, dù nguyên nhân khởi phát bệnh tâm thần khác nhau, nhưng ở họ đều có chung một điểm đó là hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, éo le. Điển hình như trường hợp của S, sinh năm 1978 ở huyện Yên Khánh. S mắc bệnh vào viện từ năm 16 tuổi, nhà neo người chỉ có một mẹ, một con. Mẹ S lại bị bệnh nặng, kinh tế khó khăn nên chẳng đi thăm S bao giờ. Cũng có nhiều trường hợp, bệnh nhân bị chính gia đình mình trói, bỏ lại trước cổng của trung tâm và chẳng bao giờ bệnh nhân gặp được người thân của mình nữa.
Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều y, bác sỹ ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, từ giải phẫu pháp y, sản, ung bướu… ngẫm lại, có lẽ chăm sóc bệnh nhân tâm thần như các y, bác sỹ của trung tâm là khó khăn nhất. Do bệnh nhân tâm thần, nhất là tâm thần nặng, thường vô thức nên việc khám bệnh, điều trị và chăm sóc cho họ là vô cùng vất vả. Để điều trị có hiệu quả, ngoài các vấn đề về chuyên môn thì yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50%. Nhiều khi bác sỹ cũng phải "hóa thân" để cùng cười, cùng nói, tâm sự cùng người bệnh. Khi vào phòng tiêm, khám bệnh cho các bệnh nhân, các y, bác sỹ phải đi từ 2-3 người để hỗ trợ nhau, để phòng bệnh nhân tấn công.
Nguyễn Thị Phúc, một điều dưỡng trẻ mới làm việc ở Trung tâm hơn 1 năm nay chia sẻ: Mới vào nghề này, lúc đầu em cũng sợ hãi, căng thẳng bởi môi trường làm việc …khác người. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn gắn bó, em lại cảm thấy thương người bệnh hơn. Với họ, mình cần phải có tình thương, sự cảm thông sâu sắc thì mới có thể làm được…
Có chứng kiến việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần mới thấy đó là công việc mà không phải ai cũng chịu được. Bởi có đến trên 90% bệnh nhân ở đây không có người nhà chăm sóc. Thế nên, ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, họ còn phải chăm sóc cho bệnh nhân đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc… ở trung tâm này, y, bác sỹ là nữ phải tắm cho bệnh nhân nam không phải là chuyện lạ. Cô điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Phúc ngượng ngiụ khi tôi thắc mắc về điều đó: Mình coi họ như người thân trong nhà bị đau ốm. Chăm sóc cho người thân là điều bình thường thôi mà. Những hôm thời tiết rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm rất khó khăn. Thế là người giữ, người dội nước, kỳ cọ, trong khi bệnh nhân vẫn tìm cách chống lại. Điều dưỡng viên ở đây phần lớn là nữ nên không chị, em nào tránh được công việc này.
Ông Phạm Văn Lưu, Phó giám đốc Trung tâm nói, bệnh nhân ở đây phức tạp lắm. Khi bình thường thì họ hiền lành đến tội nghiệp. Nhưng khi họ lên cơn thì biến thành con người khác hẳn. Họ hung dữ, thậm chí đập vỡ cả đèn túyp lấy mảnh vỡ làm hung khí đe dọa y, bác sỹ. Còn chuyện va chạm, xô xát là chuyện thường ngày. Trong trường hợp đó, liệu pháp tâm lý thuyết phục bao giờ cũng được chúng tôi sử dụng đầu tiên. Nếu không được, mới phải sử dụng biện pháp trấn áp, sau đó cho bệnh nhân uống thuốc. Một khó khăn nữa đối với việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần đó là phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh kèm theo. Bởi người bệnh không biết phản ánh những bất ổn của cơ thể mà mình gặp phải. Do người bệnh không có thân nhân hoặc gia đình không gần gũi để nắm được tình hình sức khỏe nên bác sỹ chỉ có thể dựa vào sự tận tâm, tinh ý, kỹ càng khi thăm khám mới không bỏ sót bệnh.
Tuy vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, những bệnh nhân ở đây vẫn cảm nhận được sự khác biệt trong nhịp sống ngày Tết khác xa với ngày thường như thế nào. Đặc biệt là thời khắc giao thừa, có những bệnh nhân ngậm ngùi hỏi bác sỹ, Tết này gia đình có đón tôi về không? Câu hỏi ấy đủ khiến cán bộ, y, bác sỹ ngậm ngùi, thương cảm. Bởi thế, năm nào cũng vậy, tập thể cán bộ, y, bác sỹ của Trung tâm luôn động viên nhau, cố gắng chăm lo cho bệnh nhân một cái Tết đầy đủ, đầm ấm.
Những ngày giáp Tết, tùy theo sức khỏe và khả năng của từng bệnh nhân mà phân công cho họ cùng tham gia vào việc chuẩn bị Tết. Nhóm nam giới có sức khỏe thì tham gia chẻ và vận chuyển củi để nấu bánh chưng. Ai khéo tay thì cắt tỉa cây cảnh, quét vôi ve, chỉnh chang lại khuôn viên trung tâm. Chị em phụ nữ tỉ mẩn, cẩn thận thì rửa lá dong, nhặt rau, chăm đàn lợn để thịt vào ngày Tất niên… Được tham gia làm việc, ai cũng phấn khởi và chộn rộn lắm. Khác với bên ngoài, Trung tâm đón thời khắc giao thừa cũng sớm hơn. Thường thì sau bữa cơm tất niên, bệnh nhân sẽ đón giao thừa sớm từ lúc 8 giờ tối. Bởi lẽ, sau khi ăn tối xong sẽ phải uống thuốc theo phác đồ điều trị, sau đó đi ngủ.
Mặc dù không có cảm giác phấp phỏng chờ đợi thời khắc chuyển giao năm mới để được bày tỏ ước nguyện trong một năm mới giữa đất trời linh thiêng, song bằng những mảnh ghép của tâm hồn không tròn vạnh, họ vẫn cảm nhận rõ không khí Tết đang len lỏi, ngập tràn khắp nơi. Và, với những cán bộ của Trung tâm, một mùa xuân mới lại về, họ lại có những cái Tết thật đặc biệt và rưng rưng cảm động ở nơi có những bệnh nhân đặc biệt này.
Đào Hằng