Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hơn 7 thập kỷ đã qua, thế nhưng thời khắc vô cùng ý nghĩa ấy mãi trở thành niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và ngày 2/9 đã trở thành ngày Tết Độc lập. Hàng năm, cứ độ thu về, cùng với triệu triệu trái tim trên mọi miền Tổ quốc, người dân Ninh Bình lại hân hoan đón chào Tết Độc lập với niềm tin và khát vọng đổi mới.
Tết Độc lập trong tim người Ninh Bình
Ông Hoàng Mạnh Hùng, cựu chiến binh 71 tuổi ở tổ 13, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Sinh ra trong gia đình thuần nông, lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh nên ông thấm thía được nỗi khổ cực của người dân mất nước. Ngay từ nhỏ, ông đã được giáo dục về truyền thống cách mạng, ý nghĩa của ngày Quốc khánh 2/9, niềm tự hào và trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1970, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào thời kỳ cam go, khốc liệt, ông Hoàng Mạnh Hùng đã xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 65 (sư Đoàn 312).
Ông Hùng chia sẻ: Những năm tháng "đỏ lửa" cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở các chiến trường nước bạn Lào, chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; được hòa mình với hàng triệu con tim trong ngày vui miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà vào ngày 30/4/1975… mãi mãi trở thành miền ký ức không bao giờ quên trong tôi. Thế hệ chúng tôi đã có một thời thanh xuân chiến đấu hết mình vì Tổ quốc.
Có thể nói, được tham gia đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà với tôi là một vinh hạnh. Tôi tự hào là người lính Bộ đội Cụ Hồ! Gia đình ông Hùng có 3 người con, hiện các con của ông đều khôn lớn, trưởng thành, trong đó có 2 người theo nghiệp nhà binh, còn một người con đang sinh sống, lao động tại Hàn Quốc.
Với gia đình ông, vào dịp Quốc khánh 2/9, các con cháu trong gia đình đều cố gắng sắp xếp công việc để cùng nhau sum vầy. Riêng mấy năm trở lại đây, gia đình người con út của ông do đang lao động bên Hàn Quốc nên việc tề tựu đông đủ các con cháu trong ngày lễ trọng này gặp khó khăn hơn. "Cũng rất may là nhờ có công nghệ thông tin nên cả gia đình lại quây quần bên nhau theo hình thức online. Chính vì thế mà cuộc họp sum vầy bên gia đình cũng không kém phần ấm cúng"- ông Hùng cho biết.
Là một người lính đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông Hùng hiểu rõ giá trị của hòa bình. Ông luôn nhắc các con cháu: để có được cuộc sống độc lập, tự do như ngày hôm nay là cả quá trình đấu tranh của dân tộc với biết bao xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh. Do vậy, dù sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu hãy luôn nhớ mình là người Việt Nam- con Lạc cháu Hồng; phải luôn sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, Tổ quốc.
Cũng như gia đình ông Hùng, đối với nhiều người Ninh Bình, ngày Quốc khánh không chỉ là quãng nghỉ giữa biết bao bộn bề công việc mà còn là khoảnh khắc lắng lại để nhắc nhở chúng ta nhớ về những thời khắc thiêng liêng của dân tộc. "Tôi luôn tâm niệm rằng, mừng Tết Độc lập để vui cùng ngày lễ trọng đại của đất nước nhưng cũng là để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Là dịp để mỗi người hôm nay nghĩ suy về trách nhiệm của mình trước những yêu cầu cấp thiết của đất nước.
Vì thế, để xứng đáng hơn với những hy sinh của thế hệ cha ông, tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp đang nỗ lực hết mình để làm tốt hơn công việc hiện tại - khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đó cũng là cách mà mỗi chúng tôi tham gia bảo vệ và nhân lên giá trị của độc lập, tự do"- Bác sỹ Phạm Sỹ Lộc, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phụ trách Tổ điều trị Bệnh nhân COVID-19 (Phòng khám đa khoa Khu vực Cầu Yên) đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về cảm xúc của mình trong ngày vui Tết độc lập năm nay. Anh cũng là một trong những thầy thuốc mà hai năm trở lại đây được đón Tết Độc lập trong bối cảnh "đặc biệt" - tại khu vực cách ly phòng dịch COVID-19.
Dịp nghỉ Tết Độc lập, nhiều bác sỹ ở Phòng Khám đa khoa khu vực Cầu Yên vẫn tăng ca trực, bảo đảm tiếp nhận chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân 24/24h.
Chúng tôi đến Phòng Khám đa khoa khu vực Cầu Yên khi những ngày nghỉ lễ 2/9 năm nay đã cận kề và cảm nhận rõ không khí làm việc miệt mài của các y, bác sỹ nơi đây.
Bác sỹ Phạm Sỹ Lộc cho biết: Tháng 5/2021, khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập 3 đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 và từ đó Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên trở thành nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau một thời gian phòng, chống tích cực, tình hình dịch bệnh có xu hướng lắng xuống, các y, bác sỹ của phòng khám được rút về Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2022, dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng, vì vậy Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên tái khởi động trở lại với tư cách là đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng theo bác sỹ Lộc, năm nay, do tính chất và mức độ của dịch COVID-19 đã bớt căng thẳng, nên dịp nghỉ Tết độc lập 2/9, Phòng khám đã xây dựng kế hoạch cho các đồng nghiệp thay phiên nhau trực để họ có thể về sum họp, vui Tết Độc lập cùng gia đình. Nhưng trên hết với các y, bác sỹ thì niềm vui Tết Độc lập là chữa khỏi bệnh cho các ca mắc COVID-19.
"Có thể nói, công tác chống dịch có những thời điểm cam go và được coi là "chống dịch như chống giặc", thế nhưng bằng tinh thần đoàn kết, bền bỉ, nỗ lực khắc phục khó khăn, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Hiện nay, mặc dù mức độ nguy hiểm của dịch từng bước được kiểm soát do đã chủ động xây dựng nhiều phương án thích ứng an toàn với dịch. Tuy nhiên tình hình dịch COVID-19 vẫn khó lường, khó định đoán, nhiều yếu tố bất ngờ… Do đó, người dân cần tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch để dịch không bùng phát trở lại, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân và cộng đồng, để mỗi độ thu về, nhà nhà, người người lại được đón Tết Độc lập trong an yên"- bác sỹ Lộc nhấn mạnh.
Trò chuyện cùng ông Hùng, bác sỹ Lộc, chúng tôi hiểu rằng dù mỗi người ở lứa tuổi, nghề nghiệp, vị trí xã hội khác nhau, song cảm xúc vào ngày Quốc khánh 2/9 có lẽ chỉ có một, đó là niềm tự hào về một đất nước dù nhỏ bé nhưng chưa bao giờ khuất phục trước giặc ngoại xâm, không lùi bước trước những gian nguy. Và chính lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã, đang và sẽ trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi người dân đất Việt hôm nay tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đổi mới.