Vườn trồng đào của gia đình anh Phạm Văn Hiếu có trên 300 gốc, chủ yếu là hai giống đào phai và đào bích. Anh cho biết, hơn một nửa trong số đó đã được đặt mua từ rất sớm, nửa còn lại anh quyết chưa bán vội mà sẽ vận chuyển sang Thanh Hóa để bày bán trong dịp gần Tết. Anh Hiếu cho biết thêm: Giá thu mua hoa đào năm nay trung bình tăng khoảng 20% so với năm ngoái, tuy nhiên cũng tùy từng giống đào, chất lượng nụ, hoa mà giá tăng lên. Ước tính năm nay thu nhập từ hoa đào của gia đình anh Hiếu là trên 170 triệu đồng.
Tới thăm vườn đào của gia đình ông Phạm Tiến Dũng, ông chủ vườn đào chia sẻ, hơn 200 gốc đào của gia đình đã được thu mua hết, ngay cả những cành giống cho vụ sau cũng đã được đặt mua. Được biết, ông Dũng là một trong những người đầu tiên đưa cây đào về trồng tại làng Chỉ Thiện. Ông cho biết: Làng Chỉ Thiện vốn lấy nghề nông là gốc, song nhận thấy chất đất tốt, tôi và một số anh em trong làng đã đến làng đào Nhật Tân (Hà Nội) để lấy giống đem về trồng thử. Sau vài năm, do cây đào phát triển tốt và được giá hơn hẳn các cây trồng khác nên nhiều gia đình cũng tìm đến học hỏi để làm theo. Thấm thoát vậy mà đã hơn 30 năm nay rồi. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường ngày một khắt khe, ngoài các giống đào truyền thống, nhiều gia đình tự tìm hiểu và vận dụng phương pháp ghép mắt đào trên gốc cây to để tăng giá trị kinh tế. Những hộ gia đình sở hữu gốc đào trị giá hàng chục triệu đồng ở đây không phải là ít.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, trong thôn Chỉ Thiện có trên 30 hộ trồng đào. Do số lượng hộ trồng đào lớn nên lâu dần người dân mặc định gọi là làng đào Chỉ Thiện. Tuy không phải là làng nghề được công nhận, song trong làng đào cũng có Hội trồng đào. Hội trồng đào giống một câu lạc bộ, là nơi các hộ trồng đào tụ họp để chia sẻ kinh nghiệm, những thay đổi trong yêu cầu của thị trường hay giới thiệu các mối tiêu thụ đào. Ông Trần Văn Vụ, Trưởng hội trồng đào chia sẻ, chúng tôi thành lập Hội trồng đào với mục đích chính là để chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào, giúp các hộ mới trồng yên tâm trong khâu kỹ thuật. Đã có rất nhiều người trong huyện, trong tỉnh, bạn bè ở các tỉnh khác đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
Cuối vụ, thường là qua Tết cổ truyền, các thành viên của Hội trồng đào lại tụ họp và tổng kết lại một năm sản xuất, những lợi thế và những khó khăn được đưa ra để rút kinh nghiệm cho vụ sản xuất tiếp theo. Anh Trần Việt Đức, thôn Xuân Hồi (Xuân Thiện) cho biết: Gia đình tôi mới trồng đào được 1 năm, tuy đã tự tìm hiểu kiến thức về trồng và chăm sóc đào qua mạng Internet, song nhiều chi tiết cụ thể như cách chăm sóc khi thay đổi về thời tiết, cách giâm cành, tỉa lá... rất khó để làm đúng nếu không có người chỉ bảo thực tế. Do đó, năm đầu tiên trồng đào, tôi gặp rất nhiều khó khăn, hoa đào nở không đẹp như mong muốn, sang năm thứ hai trồng đào đã được các thành viên của Hội trồng đào chỉ dạy tận tình, được truyền đạt những kinh nghiệm đúc kết từ mấy chục năm trồng đào của các bác, các anh. Năm nay, tôi tăng số lượng lên 100 gốc đào để có hàng phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của bà con trong tỉnh.
Theo thống kê của UBND xã Xuân Thiện, toàn xã hiện có trên 5.000 gốc đào và 30.000 cây đào giống, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Trên cùng một diện tích canh tác, hoa đào cho giá trị kinh tế gấp từ 10 đến 20 lần so với trồng lúa. Trong khi thu nhập bình quân toàn xã năm 2017 là 19 triệu đồng/người/năm thì tính riêng thôn Chỉ Thiện, thu nhập bình quân đầu người tại đây đạt từ 30-35 triệu đồng/năm. Các hộ trồng đào tại đây hiện đang phát triển hoa đào theo hướng chất lượng cao với các cây đào thế, đào ghép trên gốc... nhằm tăng giá trị kinh tế. Năm nay, lượng tiêu thụ đào lớn, đào lại đang được giá nên các hộ gia đình trồng đào thu về lợi nhuận cao, điều đó sẽ mang lại cho các hộ gia đình một cái Tết cổ truyền sung túc và ấm no hơn mọi năm. Với niềm vui đó, đối với các hộ gia đình tại làng đào Chỉ Thiện, Tết Mậu Tuất đã đến sớm hơn thường lệ.
Thái Học