Đúng như lời ông Bùi Hồng Y, trưởng thôn Đồng Bài nói, ngày thường, người Mường ở Quảng Lạc khá lặng lẽ, con người như chìm khuất trong màu xanh trải dài của rừng. Nhưng khi Tết đến, xuân về, làng mở hội thì con người và cảnh vật nơi đây khác hẳn: Nồng nàn trong hương say ngây ngất của rượu, trong sắc màu rực rỡ của những trang phục truyền thống… tạo nên một dư vị rất riêng của những con người vùng sơn cước.
Theo lời mời của chủ hộ, ông Y đưa chúng tôi tới thăm và ăn tất niên với gia đình anh Bùi Văn Khuê, một tấm gương điển hình trong thoát nghèo ở thôn Đồng Bài. Với đồng bào Mường, bữa cơm cuối năm mà mời được một người có uy tín trong thôn là điều may mắn. Hơn nữa, để mừng sự kiện ra khỏi danh sách nghèo, chủ hộ mời bằng được trưởng thôn đến nhà chia vui. Khi chúng tôi đến nơi, anh Khuê và gia đình đang tất bật chuẩn bị cho bữa tất niên. ở góc sân, anh Khuê và vài người đàn ông đang xúm quanh con lợn chừng 40 kg kêu inh ỏi. Theo tục của người Mường, ngày Tết các gia đình phải thịt lợn hoặc đụng lợn chứ không mua, như vậy mới thể hiện được sự đoàn kết, sum họp của các gia đình, lại vừa thể hiện một năm làm ăn phát đạt.
Tục là vậy, song nhiều năm trước, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình anh Khuê chưa bao giờ mổ lợn. Năm nay thì khác, nhờ hiệu quả của vài vụ trồng ớt xuất khẩu, gia đình anh đã có khoản thu nhập khá ổn định. Cách Tết 2 tháng, để đánh dấu sự "ăn nên làm ra", vợ chồng anh đã tìm mua một con lợn hơn 20 kg để nuôi chuẩn bị cho dịp Tết này. Từ 25 tháng chạp, vợ chồng anh đã nghỉ việc đồng, việc rừng để tập trung chuẩn bị lo cho gia đình một cái Tết no đủ, đầm ấm. Anh Khuê cho biết, gia đình anh đã phải lên lịch để triển khai từng công việc một. Tùy theo khả năng của từng thành viên mà phân công nhiệm vụ. Anh Khuê và những người đàn ông trong thôn sẽ đảm đương việc lên rừng lấy củi, chẻ củi để nấu bánh chưng. Phụ nữ và bọn trẻ con có trách nhiệm dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăn màn cho đến vệ sinh chuồng gà, chuồng lợn, các đồ dung sinh hoạt và lao động khác như cày, bừa, bồ đựng thóc… cũng phải được làm sạch với ước mong những gì cũ kỹ của năm cũ cho qua đi để đón điều may mắn trong năm mới.
Chẳng mấy chốc, anh Khuê và các "cộng sự" đã hoàn thành việc giết lợn. Phần thịt được gia đình cất đi để chế biến đồ ăn trong các ngày Tết. Còn phần nội tạng được nấu cháo để mời khách ăn bữa tất niên. Khác với người Kinh, bữa tất niên của người Mường thường dùng bằng cháo. Trước đó, chủ nhà phải ngâm gạo cho đến khi hạt gạo nở xòe thì mới bắt đầu nấu và phải nấu bằng nồi đồng mới ngon. Phần thịt lợn được gia chủ bảo quản để chế biến các món ăn trong ngày Tết. Phần thịt nạc ngon được các gia đình gói nem chua vào ngày 28 Tết. Nem chua của đồng bào Mường khá đặc biệt, được làm bằng thịt lợn nạc, muối trắng rang phồng, giã nát và thính gạo. Những nguyên liệu trên được trộn theo một tỷ lệ, sau 3 ngày là có thể ăn được. Nem chua ở đây có thể để 1-2 tháng, vì vậy mà các nhà đều gói đến vài trăm cái.
Uống rượu cần trong ngày Tết. Ảnh:
Phương Thảo
Cùng với nem chua, rượu là một sản vật không thể thiếu trong ngày Tết của người Mường. Rượu của đồng bào Mường được các nhà tự nấu với quy trình rất cầu kỳ. Nếp nương gặt về phơi khô, quạt sạch rồi cho vào chum bảo quản để nấu rượu. Trước khi nấu phải vo gạo thật sạch. Nấu xong phải rải cơm cho thật nguội rồi mới rắc men. Men rượu phải do những gia đình có kinh nghiệm trong thôn làm nên. Để có men quý, người ta cho vào men một số dược liệu có tác dụng diệt khuẩn, thông khí huyết. Người nấu rượu phải có kinh nghiệm trong việc nấu và bảo quản rượu. Nguồn nước ủ rượu và nấu rượu phải đảm bảo vì đây là yếu tố quyết định độ ngon của rượu. Trong quá trình nấu, lửa phải cháy đều. Rượu càng để lâu càng ngon, rượu uống say lâu lắm, nhưng khi tỉnh rượu thì không có cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Khách đến nhà ngày Tết, người Mường đều mang rượu và nem chua ra đãi chứ không làm cỗ cầu kỳ. Sau chén rượu tuy nhẹ mà ngấm, mà say, mọi người vui vẻ chia sẻ với nhau những việc đã làm trong năm cũ và những dự định trong năm mới.
Sang ngày mùng 1 Tết, được coi là ngày con cái tỏ lòng biết ơn, hiếu thuận với cha mẹ. Con gái, con trai khi đã đi lấy chồng, lấy vợ sẽ cùng chồng hoặc vợ đội cỗ về nhà cha mẹ đôi bên. Mâm đựng cỗ phải là mâm đồng, bao gồm đủ các thức như: thịt mỡ, thịt thủ và thịt nạc mới được gọi là mâm cỗ to. Sau ngày mùng 1, các gia đình đi thăm và chúc Tết anh em, họ hàng và ăn ở mỗi nhà một bữa. Vì thường thì con cháu tổ chức làm cỗ trước, ông bà làm sau. Bữa cỗ của đồng bào Mường cũng rất độc đáo. Người Mường bày cỗ trên lá chuối, vì vậy mà còn gọi là cỗ lá. Để có mâm cỗ này, mọi nhà phải đi cắt lá chuối và phải là lá ngọn từ mấy hôm trước. Cỗ lá của người Mường được trình bày theo trật tự trước, sau. Trước khi ăn, mọi người rót rượu và nâng chén lên cao quá đầu và cúi xuống ý muốn mời người trên dùng trước. Người Mường tự pha gia vị để chấm đồ ăn, phổ biến nhất là muối nướng hạt dổi.
Đầu xuân, Hội làng của người Mường cũng được tổ chức khá bài bản. Vào ngày này, con cháu các dòng họ người Mường trong làng dù đi đâu xa cũng quy tụ về chung vui. Lễ hội có ý nghĩa cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi, dân bản hạnh phúc, sống vui vẻ hòa thuận. Ngoài phần lễ, hội làng còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đi cà khoeo, chơi cù và chọi gà… mang đậm bản sắc của dân tộc Mường. Đến lễ hội, không ai bảo ai, các gia đình đều mang theo các vật phẩm như: thịt lợn, gà, gạo nếp, rượu… góp vui.
Nguyễn Hùng