Phóng viên (P.V): Một năm nhiều khó khăn đang dần khép lại. Trong câu chuyện ngày cuối năm, đồng chí (đ/c) có thể điểm lại một số kết quả nổi bật của ngành trong hoạt động đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Lê Thị Lựu: Năm 2021 là một năm có quá nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, nhất là người lao động. Với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp… gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Điển hình là Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Gọi tắt là Nghị quyết 68). Tổng giá trị gói hỗ trợ vào khoảng 26 nghìn tỷ đồng.
Trước Nghị quyết 68, năm 2020 chúng ta cũng đã từng triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành LĐ, TBXH đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết 68 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực.
Đồng thời, Sở LĐ, TBXH cũng đã thẩm định, trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt hỗ trợ gần chục nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Đặc biệt, nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành phố phía Nam, đồng thời hỗ trợ người dân Ninh Bình trở về quê, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đón người dân Ninh Bình bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Đón công dân về quê với giá "0 đồng" là một chủ trương đậm nhân văn của tỉnh, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ngay khi kế hoạch đón công dân được ban hành, với vai trò là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì thực hiện kế hoạch, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, Sở LĐ, TBXH đã thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ công tác làm nhiệm vụ đón gần 1.200 công dân trở về quê an toàn.
Để người lao động hồi hương sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Sở LĐ, TBXH đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu về học nghề, việc làm của công dân. Đối với những công dân có mong muốn làm việc và sinh sống tại quê hương thì ngành LĐ, TBXH sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Cùng với đó, Sở LĐ, TBXH cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để nắm được nhu cầu tuyển dụng, từ đó chắp nối, đưa cơ hội việc làm đến với người lao động có chuyên môn, có tay nghề phù hợp.
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm xây dựng kế hoạch, thực hiện một số phiên giao dịch việc làm lưu động theo từng chuyên đề để kết nối cung - cầu lao động.
P.V: Đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song tỉnh Ninh Bình vẫn được đánh giá cao trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về kết quả này?
Đ/c Lê Thị Lựu: Thực tế cho thấy, hỗ trợ người nghèo là một chính sách nhân văn, được tỉnh Ninh Bình quan tâm thực hiện xuyên suốt. Bởi vậy, mặc dù trong 2 năm qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ta phải tập trung nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch, nhưng tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt để các cấp, các ngành thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Nhà nước và chính sách đặc thù của tỉnh.
Một trong những nguyên nhân cơ bản giúp giảm nghèo hiệu quả ở tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn vừa qua đó là xác định được chính xác hộ nghèo. Từ đó, nắm bắt rõ từng đối tượng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Ở mỗi giai đoạn, tỉnh ta đã xây dựng một nghị quyết về giảm nghèo bền vững, trong đó có ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù.
Cụ thể như: hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; xuất khẩu lao động; du học nghề; nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng cho các đối tượng trong cơ sở Bảo trợ xã hội… nhờ đó, người nghèo có thêm nguồn lực, động lực để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 9614 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,48%; trên 22 nghìn người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
P.V: Trên thực tế, vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn rất cần có sự quan tâm, chia sẻ, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về. Hiện các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh ta đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Thị Lựu: Trong năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, kế hoạch thăm, tặng quà tết người có công, người nghèo trong dịp Tết nguyên đán đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo.
Với mục tiêu đảm bảo không để một hộ nghèo nào không có Tết, ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp để cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo.
Đến nay, tỉnh ta đã trích kinh phí gần 10 tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo đón Tết. Trong đó, 50 hộ nghèo khó khăn đột xuất với mức quà 1,3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ hộ nghèo với mức 500 nghìn đồng/hộ và 400 nghìn đồng/ hộ cận nghèo.
Đồng thời, tỉnh ta còn dành nguồn kinh phí lớn khác để hỗ trợ các đối tượng như: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên mầm non ngoài biên chế, gia đình có thân nhân đang làm việc ở biên giới, hải đảo; các tập thể có các thương, bệnh binh đang điều trị, an dưỡng; Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội, Trung tâm Phục hồi tâm thần Yên Mô, Trường Giáo dưỡng số 2…
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người có công, người nghèo. Hơn nữa, đã thành nét đẹp truyền thống, mỗi độ Tết đến, Xuân về cũng là dịp được chứng kiến nhiều hành động đẹp, ấm áp nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Việc chung tay chăm lo Tết cho người nghèo cũng đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Tiêu biểu như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel… đã tặng hàng nghìn suất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm, bằng nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách, tin rằng, mọi người, mọi nhà sẽ đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, an vui.
Hơn thế, những tình cảm của cộng đồng còn thể hiện niềm tin, nguồn động viên to lớn để người nghèo bắt đầu năm mới với một khởi đầu nhiều lạc quan và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐÀO HẰNG (thực hiện)