Ấm áp mùa xuân xa xứ
Tất bật trang hoàng lại nhà cửa, sửa soạn đón xuân mới ở vùng đất cuối Mũi, chú Nguyễn Năm (quê ở xã Yên Mật, huyện Kim Sơn) hiện sinh sống tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước luôn nở nụ cười vui vẻ, nhắc về những kỷ niệm khó quên khi mới vào Cà Mau lập nghiệp. Lúc ấy, không riêng gì chú mà có rất nhiều người Ninh Bình cùng vào đây xây dựng vùng kinh tế mới, nhiều hộ giờ cuộc sống đã vươn lên khấm khá.
Hành trang chỉ là chiếc balo đeo ngược với bộ đồ nghề mộc vỏn vẹn 3 thứ: bào, đục, cưa và mấy bộ quần áo cũ kỹ. Vậy mà đến nay chú Năm đã xây dựng được cơ ngơi vững chãi với cửa hàng đồ mộc mỹ nghệ trang trí nội thất trị giá lên đến hàng tỷ đồng. Kinh doanh ngày một phát triển, bình quân mỗi năm gia đình chú thu về khoảng 300-400 triệu đồng.
Nói về những thành quả có được hôm nay, chú Năm khiêm tốn: "Khi mới vào đây giỏ xách còn không đầy, kinh tế khó khăn, chật vật. Nhờ biết chút đỉnh nghề mộc đi làm thuê, ai mướn gì đóng đó: tủ, giường, bàn ghế. Rồi sau đó, vợ chồng tích góp ít vốn xây dựng được nhà xưởng như bây giờ. Mừng là thằng lớn giờ cũng nối nghiệp cha, 2 đứa con gái được học hành đến nơi đến chốn. Dù xa quê, nhưng lòng luôn khắc khoải nhớ về quê nhà, nhờ có anh em đồng hương gần gũi, đùm bọc, chia sẻ với nhau cũng thấy ấm lòng".
Những ân tình ấy càng ấm áp thêm khi mỗi độ Xuân về, Tết đến, những người con Ninh Bình sinh sống tại Cà Mau lại có dịp tụ họp gặp gỡ nhau, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ đầy theo phong tục người Bắc. Khoảng 28 Tết, mọi người bắt đầu gác lại công việc bận rộn của một năm để chuẩn bị gói bánh, làm những món ăn đậm chất quê hương để đón chào một năm mới. ở đây, dù sinh sống đã lâu trên quê hương Cà Mau, nhưng hầu như người Ninh Bình vẫn giữ được nét truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. 30 Tết đón giao thừa, mâm cỗ gia đình vẫn đủ đầy với xôi, bánh chưng, dưa hành, giò mỡ và gà luộc.
Chú Lê Anh Tuấn, hiện sinh sống tại xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân chia sẻ về những cái Tết ở quê hương thứ hai sau hơn 20 năm rời quê hương xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh để vào Cà Mau lập nghiệp: "Đã thành thông lệ, năm nào gia đình cũng gói bánh chưng, lá dong để gói bánh phải gửi từ Ninh Bình vào hoặc đi nơi khác mua về vì Cà Mau không có. Rồi phải chuẩn bị nem chạo, bó giò, đều là những món ăn đậm chất quê hương, luôn gợi lên trong mỗi chúng tôi nỗi nhớ quê da diết. Những món ăn không cầu kỳ nhưng lại mang cả hồn quê trong ấy, thắm thiết nỗi nhớ mong về cố hương, ước vọng một năm vuông tròn, êm ấm".
Cuộc sống gia đình chú giờ cũng đủ đầy với 2 ha vuông tôm nhờ chịu khó làm ăn, vươn lên từ 2 bàn tay trắng. Đứa con gái giờ cũng đã tốt nghiệp đại học ngân hàng và cậu con trai làm nghề buôn bán. Hàng năm, dù công việc bận rộn nhưng chú cũng tranh thủ về thăm quê hương, thăm gia đình, người thân, xóm làng ở Khánh Thủy.
Đậm tình quê hương
Vốn có rất nhiều người Ninh Bình đến Cà Mau sinh sống, bởi từ những năm kháng chiến chống Mỹ, Cà Mau - Ninh Bình đã là 2 tỉnh kết nghĩa, thế nên ân tình gắn bó của con người 2 vùng đất này càng thêm thắm thiết. Mọi người sống tập trung ở các huyện Cái Nước, Phú Tân và Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau. Nơi đây với đa dạng hệ sinh thái mặn ngọt, rất nhiều điều kiện thuận lợi để những con người xa xứ ấy bám rễ đâm chồi tại điểm cực của Tổ quốc.
Trong chuyến thăm của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến hồi năm ngoái tại Cà Mau, hai tỉnh cũng đã có dịp ôn lại tình cảm gắn bó sâu nặng của bà con hai tỉnh Ninh Bình - Cà Mau trong thời kỳ kháng chiến ác liệt, đã luôn chung sức, đồng lòng hỗ trợ nhau trong đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Sau ngày miền giải phóng, nhiều cán bộ, nhân dân Ninh Bình đã cùng kề vai sát cánh, xây dựng kinh tế mới tại Cà Mau. Giờ đây, trong số hơn 10.000 người Ninh Bình đang làm ăn, sinh sống tại Cà Mau hầu hết đều có đời sống kinh tế ổn định, nhiều hộ giàu, khấm khá nhờ năng động, sáng tạo, vượt khó khăn phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, đóng góp thiết thực trong công cuộc xây dựng quê hương Cà Mau.
Những năm qua, cứ vào độ tháng Giêng, Hội đồng hương Ninh Bình tại Cà Mau lại tổ chức họp mặt. Ông Trương Thế Mạnh, Phó Trưởng Ban liên lạc đồng hương Ninh Bình tại Cà Mau tâm tình: "Những dịp này, mọi người quây quần vừa chia sẻ tình cảm, vừa tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều gia đình khá giả thì tự nguyện đóng góp hỗ trợ cho những hộ còn khó khăn. Những suất học bổng từ tấm lòng cũng được trao cho các con, các cháu Ninh Bình để phấn đấu vươn lên trong học tập. Những lúc ốm đau, mọi người lại cùng nhau thăm hỏi, động viên hỗ trợ nhau. Sự san sẻ, cảm thông của những người con xa xứ đầy ấm áp, thân thương như những đứa con trong gia đình lớn".
Tết nữa lại về, một mùa xuân nữa cùng có nhau, những người con Ninh Bình trên quê hương Cà Mau vẫn miệt mài phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nhưng trong sâu thẳm mỗi người vẫn dõi mắt về nơi chôn nhau cắt rốn với cả tấm lòng của những người con xa xứ.
Bài, ảnh: Hồng Nhung
(Báo Cà Mau)