Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, Gíam đốc Sở Giao thông- vận tải; Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Công ty đường sắt Việt Nam. Cùng dự có đại diện các Cục, sở, ban, ngành liên quan.
Ninh Bình có gần 22km đường sắt chạy qua. Thời gian qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh,công tác đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh và việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp số 08 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, góp phần đảm bảo TTATGT và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT đường sắt.
Thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hàng rào đường gom được 940,7m; giải quyết các vi phạm hành lang tại những địa điểm phức tạp và tổ chức gác được tại 3 điểm ở thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh có tới 8 tuyến đường ngang giao nhau với đường sắt có nguy cơ tai nạn cao tại 4 huyện, thành phố (Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, Yên Mô).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đoàn Duy Hoạch cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hoạt động hiệu quả, an toàn.
Tuy nhiên đồng chí cũng nêu ra những tồn tại, bất cập trong công tác phối hợp đảm bảo TTATGT trên địa bàn, và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt quy chế phối hợp đã đề ra.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, Gíam đốc Sở Giao thông- vận tải nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp số 08 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh; chỉ đạo Sở Giao thông- vận tảicó trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai cảnh giới các đường ngang có nguy cơ TNGT cao.
Tăng cường phối hợp, tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, trong đó tập trung vào các vi phạm như: mở đường ngang trái phép, lấn chiếm hành lang, dừng đỗ sai quy định tại các đường ngang…
Đồng thời chỉ đạo UBND các địa phương có đường sắt đi qua tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức tốt việc cảnh giới tại các đường ngang có nguy cơ TNGT cao.
Kiểm tra bố trí biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý, giải tỏa tầm nhìn tại các điểm giao cắt; phối hợp với cơ quan quản lý đường sắt trong việc triển khai các dự án an toàn đường sắt.
Quản lý tốt hành lang an toàn đường sắt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định pháp luật về trật tự an toàn đường sắt.
Đồng chí đề nghị, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt với đường bộ đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 348; chỉ đạo công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Ninh chủ động tăng cường phối hợp với địa phương trong việc giải tỏa tầm nhìn cho cả 2 phía đường bộ và đường sắt, và chủ trì phối hợp với địa phương tổ chức hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh giới, hỗ trợ trang thiết bị phòng vệ cho các vị trí chốt gác...
Kiều Ân - Anh Tuấn