Vài năm trở về trước, khi nhắc đến những tuyến đường của phường Vân Giang (một phường trung tâm của thành phố), người ta dễ dàng hình dung ra cảnh buôn bán sầm uất, náo nhiệt nhưng cũng rất lộn xộn, gây mất mỹ quan thành phố. Đồng chí Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường cho biết: Thực trạng đó luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương khi vừa phải đảm bảo công việc kinh doanh thuận lợi cho bà con, vừa phải lập lại trật tự đô thị. Vì vậy khi thành phố triển khai thực hiện Quy chế quản lý đô thị trên địa bàn, Bộ tiêu chuẩn tuyến đường văn minh đô thị, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp, giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Đáng chú ý, cách làm mà phường Vân Giang đã, đang triển khai chính là việc khơi dậy và phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn để xây dựng hình ảnh phường ngày càng văn minh, sạch đẹp. Đồng chí Lê Xuân Hợi, Bí thư chi bộ phố 8 chia sẻ: Phố 8 là địa bàn có nhiều tuyến đường buôn bán sầm uất như đường Vân Giang, đường Dương Vân Nga và có một phần của khu vực chợ Rồng, do vậy khi phường triển khai xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn với những tồn tại bị coi là "điểm liệt" trong quá trình xét công nhận như: lòng đường, vỉa hè thường xuyên mất vệ sinh, họp chợ dưới lòng đường trái quy định… Trước tình hình đó, tổ dân phố đã tham mưu cho cấp ủy chi bộ tập trung lãnh đạo tạo sự đồng thuận trong chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thành lập tiểu ban chỉ đạo với thành phần là những người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao trong cộng đồng đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động. Đồng thời chúng tôi cũng phát huy vai trò của các mô hình nhân dân tự quản, tăng cường phối hợp kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Nhờ cách làm sâu sát đó, đến nay, các tuyến đường trên địa bàn phường đã thông thoáng, các hộ gia đình cơ bản chấp hành quy định về trật tự công cộng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trật tự đô thị dần đi vào nề nếp. Phường đã có 3 tuyến đường văn minh đô thị trong tổng số 20 tuyến đường văn minh đô thị của thành phố gồm đường Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong và đường Vân Giang. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để phường tiếp tục nhân rộng mô hình đối với những tuyến đường còn lại.
Không chỉ đối với Vân Giang, Quy chế quản lý đô thị và Bộ tiêu chuẩn tuyến đường văn minh đô thị đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố với việc tăng cường xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, treo biển quảng cáo; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Thực hiện phân công cụ thể cho cán bộ, công chức các phòng, ban, xã, phường phụ trách việc triển khai Quy chế quản lý đô thị tại khu dân cư. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường; chất thải, rác thải cơ bản được thu gom và xử lý, tổ chức thu gom rác thải theo kẻng trong toàn thành phố. Tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện quy chế quản lý đô thị, bỏ rác đúng quy định; phát huy vai trò tự quản của các khu dân cư trong công tác vệ sinh môi trường thông qua việc tham gia vào quy trình thanh quyết toán dịch vụ công ích trên địa bàn. Thành phố cũng đã tích cực tham mưu với tỉnh đẩy nhanh tiến độ di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn…
Ngoài việc thực hiện Quy chế quản lý đô thị và Bộ tiêu chuẩn tuyến đường văn minh đô thị, một điểm nhấn khác phải kể đến trong quá trình xây dựng đô thị văn minh ở thành phố Ninh Bình chính là việc quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị. Thành phố đã cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường trục chính, một số công trình tạo điểm nhấn đô thị như cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang vỉa hè các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lương Văn Thăng, Lê Hồng Phong, cụm tiểu cảnh bờ đông sông Vân. Đầu tư nâng cấp, thay thế, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng trên toàn địa bàn thành phố với 14 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó lắp đặt điện chiếu sáng trên 3 tuyến đường chính (Lê Thái Tổ, Phạm Thận Duật, Nguyễn Minh Không), 4 dự án đang triển khai thực hiện xây dựng phương án, trong đó 2 dự án đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương. Cơ sở hạ tầng 3 xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc được tập trung xây dựng theo tiêu chí trở thành phường. Đặc biệt từ tháng 10/2017, UBND thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ xi măng cho các xã với mục tiêu huy động nguồn lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành phần kinh tế và nhân dân trên địa bàn các xã trong việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đến nay, thành phố đã cấp cho 3 xã 1.807 tấn xi măng, xây dựng được 94 công trình với tổng nguồn vốn trên 7 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ 60 triệu đồng, người dân đóng góp 4,4 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công và các vật tư, vật liệu liên quan khác…
Đào Duy