Nỗ lực giảm phiền hà cho người dân
Xác định cải cách hành chính là một giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, hàng năm UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính, đồng thời tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính. Trong đó mục tiêu chính là chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công nhằm phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế.
Căn cứ vào kế hoạch cải cách hành chính của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm việc rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, qua đó kịp thời phát hiện, lập danh mục đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, không phù hợp, chồng chéo, gây cản trở trong quá trình giải quyết công việc đối với tổ chức, cá nhân. Từ tháng 9/2016 đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã rà soát, thực hiện đơn giản hóa 229 thủ tục hành chính. Hiện tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.841, trong đó cấp tỉnh 1.464 TTHC (tăng 300 thủ tục so với năm 2016); cấp huyện 264 TTHC (giảm 7 thủ tục so với năm 2016); cấp xã 113 TTHC (giảm 6 thủ tục so với năm 2016). UBND tỉnh đã phê duyệt 1.788 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 1.768 quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, trong đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cá nhân, từng bộ phận trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Hiện Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã được thành lập và chuẩn bị đi vào hoạt động, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Đặc biệt, để tạo thuận tiện cho người dân trong các giao dịch hành chính, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã duy trì và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hiện nay, 100% sở, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cùng với đó, hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai tại 18/18 sở, ban, ngành, 8/8 UBND các huyện, thành phố với 3.023 thủ tục được cung cấp trên hệ thống (trong đó, mức độ 2: 1.911 thủ tục, mức độ 3: 741 thủ tục, mức độ 4: 371 thủ tục). Kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và một cửa điện tử đã giảm đáng kể thời gian chờ đợi cho người dân, trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và người dân theo hướng phục vụ nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh.
Giao dịch tại bộ phận Một cửa Sở Kế hoạch - Đầu tư. Ảnh: Đức Lam
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, năm 2018 chỉ số cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình tiếp tục có bước tăng cao, xếp thứ 9 toàn quốc, tăng 2 bậc so với năm 2017; đứng thứ 2/9 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng, chỉ số hài lòng của người dân xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là minh chứng cho những nỗ lực của Ninh Bình trong nhiều năm thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, các cơ quan, đơn vị đã sửa đổi quy chế làm việc theo hướng phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc quản lý, theo dõi, kiểm tra tiến độ giải quyết công việc thông qua phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của VNPT. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện giờ giấc làm việc và giao tiếp với tổ chức, người dân bằng nhiều hình thức thiết thực như: Giám sát trực tiếp hoặc thông qua hệ thống camera theo dõi; triển khai đeo thẻ đối với cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ với trang phục gọn gàng, lịch sự. Nhiều cơ quan đã sửa chữa, chỉnh trang lại phòng làm việc, khuôn viên cơ quan, đặc biệt là sửa chữa, mở rộng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ người dân tốt hơn. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành quy tắc ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, tuân thủ quy tắc ứng xử của người cán bộ, công chức đến các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Công tác thanh tra, kiểm tra về kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công sở được các cơ quan duy trì đều đặn..., góp phần nâng cao ý thức thực thi công vụ, chấp hành nghiêm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một số cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu không hoàn thành, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Với những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, sự phục vụ của các cấp chính quyền đối với các tổ chức, cá nhân ngày càng được cải thiện, Ninh Bình đã và đang được các nhà đầu tư xem là điểm đến an toàn và đầy tiềm năng phát triển. Năm 2019, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 46 dự án, tăng 22 dự án so với năm 2018 với tổng vốn đăng ký gần 10,3 nghìn tỷ đồng. Có trên 809 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10% so với năm 2018, với tổng số vốn đăng ký hoạt động kinh doanh 5.500 tỷ đồng.
Mai Lan