Đây là dịp nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả; đồng thời quan tâm vận động các nguồn lực để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Những thông điệp của tháng hành động năm nay là: Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình; Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình và Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em....
Ở nước ta, trẻ em được đặc biệt quan tâm, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và gia đình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ. Tuy vậy, thời gian qua vẫn còn xảy ra một số vụ xâm hại, bạo lực trẻ em đến đau lòng như: vụ bắn đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội; vụ "dì ghẻ" bạo hành bé gái 8 tuổi gây tử vong ở thành phố Hồ Chí Minh... khiến dư luận lên án, người người phẫn nộ trước những hành vi vô nhân tính đối với trẻ em - đối tượng chưa tự bảo vệ được mình.
Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em của tỉnh ta ngày càng đi vào nền nếp và đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới" và các Kế hoạch tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được kiện toàn ở cả 3 cấp là tỉnh, huyện, xã. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được tiến hành thường xuyên, cơ bản đảm bảo được hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Việc huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị các bệnh, tật bẩm sinh được quan tâm. Công tác chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em được các cấp, các ngành coi trọng. Do vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em ở tỉnh ta được cải thiện rõ rệt.
Các quyền của trẻ em được thực hiện khá toàn diện. Hệ thống cơ sở vật chất cho giáo dục được quan tâm đầu tư; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ngày càng tăng (tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường cao, độ tuổi nhà trẻ đạt 36,3% dân số độ tuổi, độ tuổi mẫu giáo đạt 95,5%, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,9%....
Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được quan tâm, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em được quan tâm thực hiện nghiêm túc. 100% trẻ em sinh ra được thực hiện việc đăng ký hộ tịch của công dân theo đúng quy định. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em từng bước tăng cường về số lượng và dần hoàn thiện về chất lượng. Trẻ em trong độ tuổi quy định được tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 đầy đủ. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Hàng năm, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Sở Lao độngThương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè, tổ chức thi vẽ tranh với chủ đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, hỗ trợ xây dựng biển báo nguy hiểm tại nơi đường giao thông không an toàn, các ao, hồ có nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ký cam kết thực hiện xây dựng "ngôi nhà an toàn", "trường học an toàn", "cộng đồng an toàn" phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Vận động nhiều nhà tài trợ tặng mũ bảo hiểm, tặng cặp phao... cho học sinh. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được các cấp, các ngành quan tâm chăm sóc với các hình thức như: đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh; vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, cộng đồng; hỗ trợ trẻ em khuyết tật phẫu thuật tim, phẫu thuật nụ cười, phẫu thuật chân tay; tặng quà, học bổng, xe đạp... giúp các em khắc phục khó khăn, tiếp tục tới lớp, tới trường và hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo lực, buôn bán trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em đi lang thang, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, song trên địa bàn tỉnh còn để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị đuối nước và tai nạn thương tích. Không ít gia đình, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn những ông bố, bà mẹ dùng roi vọt để răn dạy con cái.
Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã phải kiêm nhiệm, bận nhiều việc; trong thôn, xóm nhiều người còn tư tưởng "đèn nhà ai nhà ấy rạng", do vậy mà công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là thực hiện các quyền của trẻ em cần phải được quan tâm thường xuyên và nhiều hơn nữa.
Hy vọng qua Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề là: "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em" sẽ là dịp để các cấp, các ngành, toàn xã hội và từng gia đình nâng cao nhận thức và có các hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ trẻ em để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.
Nguyễn Đông