Việc sụt giảm giá trị sản xuất công nghiệp trước hết phải kể đến ngành khai thác khoáng sản. Thông tin từ Sở Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm lĩnh vực khai thác khoáng sản toàn tỉnh giảm 23,03%, giá trị sản xuất đạt 96,5 tỷ đồng, giảm 24,4%. Đại diện một doanh nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố Tam Điệp cho biết: Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản từ đầu năm đến nay gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chính sách thắt chặt đầu tư công nên các công trình xây dựng lớn không nhiều, bên cạnh đó các công trình dân sinh năm nay cũng ít khởi công nên sản xuất ra mà không có thị trường tiêu thụ.
Ông Phạm Văn Sự, đại diện HTX khai thác vật liệu xây dựng ở Kim Sơn cho biết: HTX có 10 thành viên, theo giấy phép 1 năm HTX chỉ được khai thác 10 nghìn khối. Tuy nhiên, do thiếu vốn, quy mô nhỏ nên việc khai thác không đạt công suất tối đa. Bên cạnh đó, năm nay nền kinh tế trong nước cũng như địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, chính vì vậy doanh nghiệp chỉ khai thác cầm chừng.
Một điều dễ nhận thấy, trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh thì tỷ trọng công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì nhiều về số lượng, nhưng quy mô nhỏ, năng lực yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu… Do đó, việc khai thác không đủ công suất, khai thác manh mún gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương đánh giá: Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 9,57% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai thác mỏ giảm 23,03%; công nghiệp chế biến giảm 8,92%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện giảm 13,1%; riêng công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,87%. Nhiều sản phẩm có mức sản xuất giảm sút lớn như đá các loại đạt 1.347,2 nghìn m3, giảm 30,8%; dưa chuột đóng hộp đạt 41,5 tấn, giảm 88,9%; phân Urê 77,3 nghìn tấn, giảm 61,2%; modul camera đạt 7.567,8 nghìn cái, giảm 58,3%...
Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp giảm dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm toàn tỉnh giảm sút, ước đạt 15.358,6 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 41,3% kế hoạch năm. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ đạt 96,5 tỷ đồng, giảm 24,4%; công nghiệp chế biến đạt 14.881,6 tỷ đồng, giảm 3,6%; sản xuất phân phối điện, khí đốt đạt 0,3 tỷ đồng, giảm 13,1%...
Nhận định về những khó khăn trong sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay, ông Lê Văn Hoan cho rằng: Bên cạnh khai thác khoáng sản thì hai ngành sản xuất gặp khó khăn nhiều nhất, đó là sản xuất phân bón giảm 52,2% và thiết bị điện tử có mức giảm là 41,8%. Đây là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất lớn trong ngành công nghiệp của tỉnh, do đó sự giảm sút đã ảnh hưởng đến các chỉ số phát triển công nghiệp từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân sự giảm sút này là do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình dừng sản xuất gần 4 tháng dẫn đến sản lượng đạm Urê, sản lượng ammoniac và sản lượng điện sản xuất của Công ty giảm.
Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, mặc dù một số sản phẩm của công ty vẫn có mức tăng trưởng cao như: dây tai nghe điện thoại di động, đinh và ốc vít, nhôm thỏi, mạch điện tích hợp… nhưng đây là những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ nên không tạo ra được động lực thúc đẩy tăng trưởng của toàn ngành. Một số sản phẩm có tỷ trọng cao lại có mức giảm sút khá lớn như: cần gạt kính ô tô giảm 51,5%, thiết bị truyền thông giảm 59,9%, camera lắp trong điện thoại di động giảm 15,0%. Đại diện phía Công ty TNHH MCNEX Vina, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện Camera Module và linh kiện camera lùi trong ô tô ở Ninh Bình cho biết: Hiện Công ty đang có sự thay đổi lớn về cơ cấu sản phẩm camera và linh kiện điện tử để phù hợp với đơn hàng ở Tổng công ty, do đó doanh thu của Công ty 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 2.000 tỷ đồng, giảm trên 1,2 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lĩnh vực sản xuất và phân phối điện giảm 31,1%, trong đó điện sản xuất giảm 26,4%, giá trị sản xuất đạt trên 338,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình vận hành ở mức thấp theo sự huy động của EVN.
Bên cạnh đó, do việc cạnh tranh của đạm nhập khẩu nên ngành sản xuất phân bón trong tỉnh cũng như cả nước gặp không ít những khó khăn trong tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu xi măng và clanhke cũng giảm sút về tiêu thụ, mặc dù sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ là 14,3%. Ngoài ra, sản lượng ô tô tiêu thụ trong tháng 5 và tháng 6 chậm lại cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của 6 tháng đầu năm.
Ngoài nguyên nhân nội tại từ các công ty, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận định: Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có sự giảm sút nguyên nhân chính vẫn là do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành như dệt may, da giày... bởi tình trạng thiếu đơn hàng. Một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia... Đối với các ngành sản xuất, chế biến thực phẩm sản xuất, kinh doanh cơ bản ổn định, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá, tuy nhiên tiêu thụ còn chưa ổn định, mang tính mùa vụ cao, áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài ngày càng lớn.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục được dự báo có nhiều khó khăn, kinh tế trong nước mặc dù đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng nhưng còn chậm. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định sản xuất công nghiệp sẽ khó có khả năng tăng cao. Để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Kỳ 2: Giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 đã được UBND tỉnh giao, cùng với ngành Công thương, các ngành, các cấp trong tỉnh đang tập trung thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo kết quả khảo sát của ngành Công thương, xu hướng sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tình hình kinh doanh trong quý II tốt lên là 45,8%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được đánh giá là tình hình sản xuất, kinh doanh không thay đổi là 28,8% và có đến 25,4% số doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong sản xuất, kinh doanh ở quý II và tiếp tục khó khăn trong quý III sẽ có 13,6% số doanh nghiệp. Mặc dù có tín hiệu khả quan, song dự báo tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các sản phẩm có kết quả thực hiện thấp dưới mức trung bình so với kế hoạch như: Đạm Urê mới đạt 15,5%; cần gạt nước kính ô tô đạt 21,9%; giày vải đạt 41,5%; lắp ráp xe ô tô con đạt 42,1%; quần áo may sẵn đạt 46,4%.
Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm từ phía doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bá (Yên Mô) cho biết: Để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2016, các doanh nghiệp phải thực sự nỗ lực bằng việc cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi tiêu và tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đối với những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, việc cải tiến công nghệ càng đòi hỏi cao hơn, vì hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đang sử dụng công nghệ lạc hậu, vì thế chất lượng sản phẩm hạn chế, những công trình lớn vẫn phải nhập gạch ở tỉnh ngoài. Với định hướng này, vừa qua doanh nghiệp Hoàng Bá đã đầu tư dây chuyền, nhà xưởng mới hiện đại có công suất tăng gấp đôi so với dây chuyền cũ. Dây chuyền này còn đảm bảo về môi trường cũng như chất lượng sản phẩm, đây sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc đạt kế hoạch đề ra trong năm 2016.
Ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để hoàn thành kế hoạch năm cả về sản lượng sản phẩm theo mặt hàng và tổng giá trị sản xuất 37.195 nghìn tỷ đồng, từ nay đến cuối năm ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp: Triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ và các Nghị quyết số 08, Nghị quyết số 09 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một số giải pháp của Sở Công thương sẽ được triển khai quyết liệt trong thời gian tới đó là: Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, xúc tiến thương mại nhằm đạt hiệu quả cao nhất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Trần Duy Tuấn cũng khẳng định: Để giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xúc tiến thương mại tại những thị trường tiềm năng. Cùng với đó, công tác thông tin sẽ được thực hiện đồng bộ để kịp thời đưa ra các dự báo sát với thị trường và sớm phát hiện những thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý xuất, nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hóa hoặc những thông tin bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường các nước, qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ tăng cường hoạt động nắm bắt thông tin, phản ánh chính xác tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh các chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như: Nghiên cứu tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, về công nghệ, đào tạo nghề cho các doanh nghiệp; ưu tiên doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất, đặc biệt là đối với một số sản phẩm có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao như xi măng clanhke, đạm Urê, cần gạt nước kính ô tô, lắp ráp xe ô tô con, hàng may mặc…và những sản phẩm công nghiệp-TTCN có giá trị xuất khẩu cao.
Để hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn về vốn, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình cho biết: Trong nửa cuối năm 2016, các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình vay vốn tín dụng và duy trì lạm phát trong ngưỡng an toàn. Theo đó, các chi nhánh tỉnh, thành phố của Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp" để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Thiết nghĩ, để đảm bảo kế hoạch sản xuất, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất của tỉnh thì các doanh nghiệp cần chủ động tìm phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, phù hợp với thị trường, giảm tối đa chi phí sản xuất, tổ chức sản xuất, tiêu thụ… Điều này cần sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp.
Bảo Yến