Nhìn vào thực lực, sau một chu kỳ Đại hội (Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2010-2014), phần lớn những vận động viên đỉnh cao của TDTT Ninh Bình sau khi đạt "ngưỡng" đã bắt đầu đối mặt với những dấu hiệu của tuổi tác.
Những cái tên như: Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Trần Văn Tưởng, Bùi Trung Thảo... đã không còn thi đấu mà chuyển sang công tác huấn luyện. Trọng trách về thành tích của thể thao tỉnh nhà được chuyển giao lại cho một thế hệ vận động viên lớp sau. Những người mà so với lớp đàn anh họ "trẻ" hơn không những cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm thi đấu.
Trong bối cảnh như vậy, việc duy trì thành tích quả là một việc không dễ dàng. Câu hỏi là làm sao để duy trì được thành tích và phát triển thành tích đó lên hơn nữa với một lứa vận động viên còn rất trẻ. Vì vậy mấu chốt vẫn là nâng "chất" việc đào tạo vận động viên cho một chu kỳ Đại hội mới. Đích đến của thể thao Ninh Bình chính là đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, các tuyển thủ Ninh Bình còn trên dưới hai năm cho một sứ mệnh khá nặng nề.
Tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng số vận động viên được đào tạo tại Trung tâm TDTT tỉnh là 143 người, thuộc 9 môn thể thao, gồm: cờ vua, vật, bóng chuyền, điền kinh, karatedo, quần vợt, kixboxing, cử tạ, judo. Điểm mừng là phần lớn vận động viên tại các bộ môn trong quá trình đào tạo không những đáp ứng đủ về "lượng" mà còn rất chú ý ở "chất". Trung tâm hiện có 15 vận động viên tham gia đội tuyển Quốc gia, tuyển trẻ Quốc gia. Số còn lại có 49 vận động viên đạt kiện tướng, vận động viên cấp I.
Trong năm tới nhiều vận động viên trẻ sẽ trưởng thành và chắc chắn số lượng những tuyển thủ Ninh Bình trong đội tuyển Quốc gia sẽ còn tăng thêm nữa. Số lượng các tuyển thủ đạt kiện tướng, vận động viên cấp I, hay thành viên đội tuyển Quốc gia chứng tỏ quá trình phát triển mạnh về chất của lực lượng vận động viên Ninh Bình.
Để đẩy mạnh quá trình cải thiện chất lượng các đội tuyển, Trung tâm TDTT tỉnh đã đồng thời thực hiện nhiều giải pháp: Lựa chọn đào tạo nhiều vận động viên trẻ có tố chất và khát vọng, đồng thời với đó là việc tiến hành kiểm tra thanh loại những vận động viên không đạt yêu cầu, không có ý thức tổ chức kỷ luật trong tập luyện thi đấu. Giải pháp thứ hai là mạnh dạn đầu tư gửi các vận động viên giỏi đến các trung tâm đào tạo lớn của quốc gia để các chuyên gia giỏi huấn luyện.
Hiện tại hàng loạt các tuyển thủ Ninh Bình đang được gửi đi các nơi huấn luyện như: Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bùi Tuyết Nhung (judo), Giang Việt Anh, Giang Thành Huy, Nguyễn Anh Dũng đang tập tại Trung tâm huấn luyện TDTT Quốc gia (Hà Nội); Hà Văn Hiếu (vật) tập tại Từ Sơn (Bắc Ninh), Trần Thị Thùy Linh tập tại Trung tâm Kata Quốc gia (Hà Nội)...
Giải pháp thứ ba là tích cực mời gọi các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi về Ninh Bình huấn luyện. Thời gian qua nhiều huấn luyện viên giỏi trong làng thể thao đã huấn luyện cho các tuyển thủ Ninh Bình: Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Xuân Hồng (bóng chuyền), Phạm Bá Trường (cử tạ), Trần Thanh Tùng (kixboxing)...
Ngoài ra Trung tâm TDTT tỉnh còn chủ động cử nhiều vận động viên giỏi nhưng đã hết tuổi thi đấu đi học về công tác huấn luyện. Những người này trong tương lai sẽ đảm đương việc đào tạo các vận động viên trẻ Ninh Bình. Việc tự túc đào tạo cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp tiết kiệm ngân sách.
Những cách làm trên là tiền đề quan trọng để thể thao Ninh Bình cải thiện thành tích trong tương lai, mà mục tiêu trong tương lai gần chính là thứ hạng của thể thao tỉnh nhà tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.
Bài, ảnh: Phương Nam