Tại hai trường dạy nghề chính quy này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn dành nhiều thời gian trao đổi với cán bộ lãnh đạo, giáo viên, khảo sát quy mô, chất lượng đào tạo, những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ ở từng trường. Đi theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tập trung cao cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề và lao động qua đào tạo.
Qua khảo sát bước đầu thì lực lượng lao động qua đào tạo ở Ninh Bình chiếm tỷ trọng thấp. Đây là tình hình đáng báo động. Vì lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, lao động qua đào tạo có nhu cầu rất lớn để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, thương mại, dịch vụ và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phát triển ngành nghề, bảo đảm việc làm cho người lao động, nhất là khu vực dành đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Mặt khác, lao động kỹ thuật, lao động qua đào tạo lại là nhân tố hàng đầu quyết định hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bởi, hệ lụy của lao động chưa qua đào tạo là năng suất lao động thấp, lãng phí nhiều nguyên liệu, năng lượng, chất lượng sản phẩm kém và hay gây tai nạn lao động. Hầu hết các làng nghề, tổ hợp sản xuất - xây dựng ở Ninh Bình lao động làm việc theo kiểu truyền nghề. Đơn giản là hướng dẫn thao tác, không có hiểu biết gì về quy trình công nghệ. Lao động trong nông nghiệp cũng làm theo kinh nghiệm và thói quen. Có một bộ phận nông dân cho là lao động nông nghiệp có gì mà phải đào tạo. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp tiến bộ không ngừng. Các giống cây trồng, con nuôi năng suất cao, chất lượng tốt liên tục được đưa vào sản xuất đại trà. Dịch bệnh cây trồng, con nuôi cũng diễn biến rất phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu đó, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững, không thể không đào tạo lao động nông nghiệp.
Trước những đòi hỏi cấp bách của tốc độ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và đang triển khai nhanh xây dựng các trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị. Những trung tâm này sẽ là cơ sở đào tạo đội ngũ lao động thiết thực nhất cho các địa phương.
Trong lúc các trung tâm dạy nghề đang xây dựng và từng bước hoàn thiện, cần tranh thủ sự giúp đỡ của các trường dạy nghề Trung ương đóng trên địa bàn cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng, loại hình. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng tạo những điều kiện tốt nhất cho các trường củng cố cơ sở vật chất, nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo. Đặc biệt là quan tâm đến nơi ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh.
Việc đào tạo nguồn nhân lực là không thể chậm trễ. Các cấp, các ngành cần hoàn thiện chiến lược đào tạo, với mục tiêu toàn diện, bước đi khoa học, vững chắc, giải pháp hiệu quả. Có được đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cao, công nhân lành nghề mới bảo đảm được tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Và đây cũng là một nhân tố tiếp tục thu hút vốn đầu tư, bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong nông nghiệp, nông thôn, lực lượng lao động qua đào tạo có chiếm tỷ trọng cao thì mới đủ năng lực giành thắng lợi khi đưa giống cây trồng, con nuôi năng suất cao vào sản xuất, lại khống chế được dịch bệnh, phát triển nông nghiệp toàn diện. Có như vậy mới bảo đảm an ninh lương thực khi một phần đất đã dành cho công nghiệp.
Lực lượng lao động kỹ thuật được đào tạo kịp thời, chất lượng là điều kiện then chốt để phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, là "nguồn năng lượng" cho các làng nghề phát triển nhanh, vững chắc trong thời hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế nhanh vừa bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tạ Khôi