Những ngày cuối cùng của năm 2017, mưa lạnh, nhiệt độ đã giảm xuống 13 - 15 độ C, nhưng trên những cánh đồng của huyện Gia Viễn, bà con vẫn bám đồng lao động, làm đất, kiểm tra chống rét cho mạ. Chăm sóc diện tích mạ được gieo cách đây nửa tháng, bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đức Hậu, xã Gia Trung cho biết: Chúng tôi cấy trà xuân sớm ngoài đê nhiều năm nay rồi nên có kinh nghiệm, cứ gieo mạ là phải chuẩn bị nilon, tre nứa để quây kín xung quanh vùng mạ giống như mắc màn vậy, có thế cây mạ mới sống qua rét mướt mà phát triển tốt được.
Như vụ này, gia đình tôi cấy 5 mẫu lúa, phải gieo 1.000m2 mạ nhưng cũng phải che phủ nilon toàn bộ, che xong rồi nhưng những khi trời gió lớn như hôm nay thì lại phải ra đồng kiểm tra để đảm bảo không luống mạ nào bị bung, tuột nilon ra.
Ngoài ra, chúng tôi còn phải bổ sung phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp mạ ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn.
Giống như bà Hoa, vài ngày nay, bà Trương Thị Vinh cùng thôn cũng luôn có mặt trên thửa ruộng để điều tiết nước, ngày cho nước vào, đêm tháo nước ra giữ ấm cho diện tích mạ. "Cuộc sống của người nông dân chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Bao nhiêu năm gắn bó với đồng ruộng nhưng tôi lo nhất là diễn biến thất thường của thời tiết.
Vì vậy, các vụ sản xuất, gia đình tôi đều thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ của HTX, quy trình kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, từ khâu làm đất cày bừa, chuẩn bị giống đến làm mạ, bón lót…
Đặc biệt, thời tiết giá rét như thế này cây mạ non rất dễ chết rét nên tôi phải thường xuyên có mặt ở đồng ruộng để chăm sóc, vét luống cho cao, bỏ tro bếp, lân để giữ ấm cho chúng" - bà Vinh chia sẻ.
Quan sát kỹ khu gieo mạ của xã Gia Trung dễ dàng nhận thấy toàn bộ các luống mạ đều được che phủ nilon kín mít. Ông Nguyễn Văn Hãnh, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Long, xã Gia Trung cho biết: Dù thời tiết rét nhưng do được che phủ nilon, hơn nữa phần đa bà con còn bón lót phân lân, phân chuồng ủ mục, tro nên đến nay toàn bộ diện tích mạ của HTX vẫn đang sinh trưởng tốt, được từ 2-3 lá.
Hiện nay, cán bộ HTX vẫn tiếp tục thường xuyên bám đồng, chủ động tưới tiêu nước, đồng thời hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp trong khâu chăm sóc và phòng, chống rét cho cây mạ.
Vụ đông xuân 2017-2018, tỉnh ta có kế hoạch gieo cấy trên 40 nghìn ha lúa, trong đó trà xuân sớm chiếm khoảng 5% diện tích, cấy ở các chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi… tập trung chủ yếu ở 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn và một phần của huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp.
Sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần gieo sớm để thu hoạch trước ngày 20/5 tránh lụt tiểu mãn như: Nhị ưu 838, Thục Hưng 6, CT16, KD18, Hoa ưu 109.
Bắt đầu từ ngày 5/12/2017, bà con nông dân ở nhiều địa phương đã tiến hành gieo mạ và đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã gieo được 165 ha mạ, trong đó huyện Nho Quan là 75 ha, huyện Gia Viễn là 90 ha. Như vậy, về cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc gieo mạ cho trà xuân sớm.
Tuy nhiên những ngày qua, thời tiết liên tục rét đậm kéo dài, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển cây trồng nói chung và mạ xuân sớm nói riêng.
Do đó, ngành nông nghiệp cùng với nông dân các huyện, thành phố chủ động nhiều biện pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, tập trung vào các biện pháp như che phủ nilon, duy trì độ ẩm, bổ sung tro bếp…
Thạc sỹ Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình khuyến cáo: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay thời tiết rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với trung bình mọi năm, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong tháng 1, tháng 2 năm 2018, mỗi đợt rét kéo dài từ 7-10 ngày.
Như vậy, vụ đông xuân năm nay sẽ lạnh hơn rõ rệt so với vụ đông xuân năm trước, lại trùng với giai đoạn gieo mạ xuân muộn, cấy xuân sớm.
Do đó, để tạo điều kiện cho mạ xuân sinh trưởng, phát triển thuận lợi, có đủ mạ tốt, cấy hết diện tích trong khung thời vụ cho phép, bà con cần lưu ý những biện pháp kỹ thuật sau: Đối với những diện tích mạ đã gieo và đã được che phủ nilon trong, cần kiểm tra độ kín của nilon, nếu bị rách, hở cần có biện pháp che chắn lại ngay.
Đồng thời duy trì luống mạ luôn đủ ẩm, có điều kiện thì liên tục giữ mức nước ở mặt rãnh. Đối với một số diện tích mạ sinh trưởng, phát triển kém, lá chuyển ngả hơi vàng, bộ rễ nâu, ít rễ trắng, có thể dùng lân supe pha loãng với nước để tưới sẽ kích thích cho bộ rễ phát triển.
Còn đối với những diện tích chưa được che phủ nilon, cần khẩn trương chuẩn bị nilon để che chắn lại ngay. Chọn nilon phải đảm bảo trắng, trong, không quá dày và không quá mỏng vì sẽ ảnh hưởng đến quang hợp của mạ.
Vòm che nilon phải đảm bảo độ cao giữa mặt luống và đỉnh vòm từ 50 - 60cm, nilon phải được phủ kín cả luống mạ, tuyệt đối không được để hở chân.
Trong quá trình chăm sóc, thường xuyên kiểm tra duy trì độ ẩm, độ ấm cho luống mạ, quan sát nếu thấy nước đọng trong vòm nilon khi cho tay vào thấy nhiệt độ bên trong cao hơn bên ngoài, như vậy là đảm bảo nhiệt độ.
Với những diện tích vừa mới gieo xong để tăng cường khả năng chống rét cho mạ, nếu có điều kiện có thể bón bổ sung thêm tro bếp mục lên mặt luống để giữ ẩm và giữ ấm. Tuyệt đối không bón đạm vào những ngày này.
Hà Phương