Thực hiện Chỉ thị số 1469/CT-BNN ngày 28-5-2009 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống úng vụ mùa năm 2009, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT, các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Đẩy mạnh việc kiểm tra công trình trước lũ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Công văn số 1399/BNN-TL ngày 5-3-2009 và khẩn trương sửa chữa những hư hỏng, ưu tiên các cống và các trạm bơm tiêu trực tiếp ra sông lớn. Đối với những công trình tiêu phải tổ chức kiểm tra, vận hành thử, đảm bảo công trình có đủ điều kiện sử dụng trong mùa mưa lũ.
2. Tổ chức kiểm tra và dỡ bỏ ngay các vật cản (bèo, đăng đó, rác thải...), khơi thông dòng chảy các kênh trục tiêu, nhất là kênh dẫn của các trạm bơm. Phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị để định kỳ, thường xuyên thực hiện giải tỏa vật cản. Kiểm tra và có kế hoạch củng cố, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản.
3. Xây dựng, rà soát, bổ sung kế hoạch tưới tiêu và phương án phòng, chống úng vụ mùa năm 2009. Xây dựng kế hoạch tưới, tiêu phù hợp với hiện trạng năng lực của công trình, tập quán canh tác của từng địa phương. Chỉ đạo gieo cấy lúa mùa hợp lý, những diện tích vùng trũng thường xuyên ngập úng kiên quyết chuyển đổi cơ cấu giống lúa và nuôi trồng thủy sản. Phương án phòng, chống úng phải chủ động đối phó với các tình huống, có các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn công trình, khắc phục hậu quả úng ngập và khôi phục sản xuất.
Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh và địa phương xây dựng kế hoạch tưới tiêu và phương án phòng, chống úng vụ mùa năm 2009.
4. Chỉ đạo vận hành hệ thống công trình thủy lợi theo quy trình và phương án phòng, chống úng đã được phê duyệt. Trong vụ mùa, khi cần lấy nước tưới, hoặc lấy phù sa chỉ lấy đầu vụ, đủ cho các trạm bơm tưới, không lấy trữ vào kênh tiêu. Tranh thủ rút nước đệm triệt để, khi tiêu úng thực hiện theo phương châm "chôn, rải, tháo", ưu tiên tiêu nước trực tiếp ra sông lớn, ngoài ra còn bố trí các phương tiện dã chiến để đảm bảo tiêu úng hiệu quả cho các tiểu vùng, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản và cây trồng có giá trị kinh tế cao.
5. Bố trí kinh phí và có kế hoạch huy động nhân lực, vật lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả úng ngập nếu xảy ra.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về diễn biến thời tiết, tình hình mưa, lũ, úng ngập... để các ngành, các cấp và nhân dân chủ động phòng, chống úng, bảo vệ sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả.