Việc chăm sóc và bảo vệ lúa có vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất và sản lượng cuối vụ. Do vậy sau khi gieo cấy, các địa phương đã có công văn chỉ đạo các đơn vị và bà con nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa.
Các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo bà con nông dân khi chăm sóc lúa nên thực hiện bón đúng, bón đủ và bón cân đối N.P.K theo nhu cầu của từng loại cây trồng và chân đất với phương châm bón tập trung, kết thúc sớm, thực hiện "nặng đầu, nhẹ cuối" và tùy theo điều kiện thời tiết, khí hậu, chân đất, tình hình sinh trưởng của cây trồng để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt. Bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, chú trọng đến lượng phân lân và kali, bám sát quy trình kỹ thuật về lượng phân bón và thời gian bón.
Đến nay, bà con đã chăm sóc khá tốt cho lúa mùa, toàn bộ diện tích lúa đã cơ bản được chăm sóc xong đợt thứ nhất và lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để đảm bảo giành thắng lợi trong sản xuất lúa mùa, ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: Công việc tiếp theo đối với bà con nông dân là tiếp tục duy trì nước mặt ruộng khoảng từ 3-5cm để lúa đẻ nhánh tập trung, đẻ nhánh nhanh gọn. Khi quan sát thấy lúa đã đạt từ 300-350 dảnh/1m2 thì tiến hành tháo nước để hãm đẻ, nhằm mục đích tăng tỷ lệ dảnh hữu hiệu, tạo độ thông thoáng trên mặt ruộng, tăng khả năng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh gây hại và thời tiết bất thuận.
Bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sớm và phun trừ sâu bệnh kịp thời khi tới ngưỡng theo thông báo và hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ lượng vật tư phân bón khi lúa đã bước vào giai đoạn phân hóa đòng, khi kiểm tra lúa đã thắt eo hay còn gọi là đòng cứt gián thì tiến hành bón, chăm sóc.
Trong đó, bà con chú ý bón đủ lượng kali giúp cho quá trình phân hóa đòng thuận lợi, giúp cho lúa cứng cây, tăng cường khả năng chống chịu với thời tiết và sâu bệnh. Điều tiết nước hợp lý trong quá trình phân hóa đòng, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trỗ bông và đạt tỷ lệ số hạt trên bông cao.
Bên cạnh chế độ phân bón, việc phòng trừ sâu bệnh cũng đang được các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và phun trừ.
Theo ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV, để chủ động phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất, bà con nông dân cần chú ý đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng cường khả năng chống chịu với các đối tượng dịch hại; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo sự hướng dẫn của Chi cục BVTV. Trong đợt này, toàn tỉnh sẽ tập trung phun thuốc trừ sâu đục thân hai chấm cho gần 3.000 ha lúa kết hợp việc trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những trà mùa sớm, mùa trung xanh tốt, tập trung ở các huyện Yên Mô, Nho Quan...
Hồng Giang