Cùng dự còn có đại diện Văn phòng Quốc hội, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát những đặc điểm nổi bật về vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và việc triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh: Luật Chính quyền địa phương được triển khai thực hiện tại Ninh Bình đã đạt được kết quả bước đầu. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra an toàn, trang trọng, dân chủ, đúng pháp luật và thắng lợi; cử tri đi bầu với tỷ lệ cao, đã bầu đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, thành phần theo quy định.
Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ, đã thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp, giải quyết số Phó Chủ tịch UBND cấp xã thừa do quy định mới; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Đến nay, Ninh Bình có trên 80% số xã được công nhận đạt danh hiệu "chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh", không còn xã yếu kém. Đây là tiền đề quan trọng để Ninh Bình xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Quán triệt, thực hiện kết luận số 64 của BCH Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở", Ban thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành kế hoạch số 27 ngày 28/9/2016 về việc "Thực hiện chương trình xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020".
Đồng thời xây dựng đề án thực hiện thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn 2 xã thuộc huyện Yên Khánh và 2 phường thuộc thành phố Ninh Bình để rút kinh nghiệm, triển khai ra diện rộng, góp phần giảm số lượng người làm việc và tăng thu nhập, cải thiện chất lượng công tác của đội ngũ này.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến tin tưởng, tại hội nghị này các quy định mới của nhà nước về công tác xây dựng chính quyền địa phương sẽ được chuyển tải đầy đủ để các đại biểu có cơ hội nắm chắc hơn, sâu sắc hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện Luật Chính quyền địa phương đạt hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện Bộ Nội vụ trình bày những nội dung cơ bản và trao đổi làm rõ những quy định trong các văn bản: Nghị định số 08 ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND; Nghị quyết số 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; nghị quyết số 1206 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi phản ánh các vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và kiến nghị đề xuất các giải pháp thực hiện các quy định trên.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: việc nắm rõ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa nội dung của Luật đi vào cuộc sống.
Các văn bản trên là những quy định cụ thể, chi tiết mội số điều đã được giao trong Luật. Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn cũng giải đáp, làm rõ một số kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Mai Lan - Anh Tuấn