Lãnh đạo các cấp, các ngành, thủ trưởng các đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Luật PCCC. ý thức về PCCC của cán bộ, nhân dân không ngừng được nâng cao. Lực lượng PCCC quần chúng cũng như PCCC chuyên ngành và Cảnh sát PCCC, cứu hộ, cứu nạn không ngừng được củng cố và phát triển, đủ sức đối phó có hiệu quả với nạn cháy xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh thì công tác PCCC còn có nhiều diễn biến phức tạp. Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 184 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 8 người, thiệt hại tài sản ước tính hàng tỷ đồng. Nguyên nhân chính xảy ra cháy là do sơ xuất, bất cẩn và sự cố của các hệ thống thiết bị điện; việc quản lý, tổ chức thực hiện công tác PCCC ở một số ngành, địa phương chưa tốt, lãnh đạo một số ngành, đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn yếu.
Mặt khác, chế độ, chính sách cho lực lượng PCCC, dân phòng và cơ sở chưa được quy định bằng các văn bản cụ thể nên chưa động viên được mọi người tham gia. Công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới, hệ thống cơ sở về PCCC và việc đầu tư cho hoạt động PCCC triển khai còn chậm. Toàn tỉnh chỉ có một Đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn toàn tỉnh, phạm vi bảo vệ rộng, trong khi biên chế còn ít, phương tiện PCCC và cứu nạn chưa thật đầy đủ, gây khó khăn cho công tác PCCC.
Công tác quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện tốt các quy định của Luật PCCC trong đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC ở một số nơi còn bất cập, chưa đồng bộ.
Tình trạng khan hiếm nguồn nước do ở nhiều nơi ao hồ tự nhiên bị san lấp để lấy mặt bằng thi công các công trình; có ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng các bến nước, bể nước, cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp nước chữa cháy tại chỗ. Mạng lưới đường ống cấp nước chữa cháy tại một số đô thị, khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ, tổng thể, còn tình trạng chắp vá, đơn lẻ...
Trước thực tế trên, công tác PCCC trong thời gian tới cần phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện từ tỉnh đến cơ sở nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu chủ động đối phó với các vụ cháy lớn. Ngoài ra, các cấp, các ngành cần thường xuyên làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCCC sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Chủ động làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở, hạn chế các vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Tổ chức tốt lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đủ mạnh cả về lực lượng, phương tiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm, hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy cần thiết cho lực lượng PCCC dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành, tạo ra thế trận toàn dân trong công tác PCCC.
Trần Dũng