Để giúp các doanh nghiệp nắm vững và thực hiện các quy định mới, Sở Giao thông-Vận tải đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời siết chặt quản lý vận tải, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các đơn vị vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo lộ trình Nghị định 86 của Chính phủ, từ 1-7-2016 một số quy định mới liên quan đến hoạt động vận tải chính thức có hiệu lực như: Xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được gắn phù hiệu theo quy định.
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, khách du lịch; vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc, xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau: 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại; từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo.
Về số lượng phương tiện tối thiểu đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe búyt phải có tối thiểu từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương; từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh. Vận tải hàng hóa không cần mang theo hợp đồng.
Đồng chí Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải khẳng định: Theo Nghị định này, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện mới được tham gia, như: hoạt động vận tải phải đảm bảo ATGT, phải có bộ phận an toàn giao thông, phải lắp camera giám sát hành trình, người điều hành vận tải phải có trình độ, kinh nghiệm, 1 xe phải có ít nhất 2 tài xế khi chạy tuyến dài... nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn về giao thông và chất lượng phục vụ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị và đảm bảo năng lực, điều kiện đáp ứng quy định mới, thời gian qua Sở Giao thông-Vận tải đã có văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các phòng, ban trực thuộc Sở và các doanh nghiệp vận tải về nội dung mới của Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.
Chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp vận tải về những khó khăn khi thực hiện quy định mới, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục, tháo gỡ hiệu quả.
Bên cạnh đó, phân công lực lượng, tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định. Tổ chức rà soát, đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện các quy định mới của Nghị định...
Ông Nguyễn Đức Trạc, Giám đốc Công ty cổ phần taxi Tràng An cho biết: Công ty hiện đang quản lý 80 xe, đơn vị đã được Sở Giao thông-Vận tải tuyên truyền quy định bắt buộc về việc lắp thiết bị in hóa đơn cho khách hàng.
Hiện nay, Công ty đang phối hợp với nhà cung cấp khẩn trương lắp đặt thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe với chi phí trên 1 triệu đồng/thiết bị; đồng thời quán triệt, yêu cầu lái xe phải thực hiện nghiêm việc in hóa đơn tính tiền trả cho khách hàng theo quy định.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các quy định mới tại Nghị định này, Sở Giao thông- Vận tải cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm, tìm nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình đảm bảo, uy tín, đảm bảo chất lượng nhằm truyền dẫn dữ liệu.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam