Nghề chế tác, chạm, khắc đá mỹ nghệ nổi tiếng ở xã Ninh Vân đã tồn tại trên 400 năm và hiện đang được lưu giữ, phát triển. Hiện nay, ở Ninh Vân có 12/13 thôn làm nghề, có trên 80 doanh nghiệp tư nhân và 453 hộ gia đình làm nghề chế tác đá với 1.100 lao động chuyên sâu về sản xuất đá và gần 1.000 nhân công lao động làm nghề buôn bán sản phẩm, vận chuyển và khai thác nguyên liệu tham gia. Thu nhập bình quân đầu người trong làng nghề chế tác đá ước đạt trên 3 triệu đồng/tháng. Doanh thu từ sản xuất và chế tác đá hàng năm đạt gần 30 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn được khách ngoài nước biết đến và yêu thích. Nghề chế tác đá ở đây đã tạo ra các sản phẩm có độ tinh tế cao, đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Từ những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đến các đồ vật trang trí, hay những vật linh thiêng như các pho tượng phật la hán, tượng anh hùng dân tộc, lăng mộ, cuốn thư,... đều toát lên những nét khéo léo, tỷ mỷ và chính xác. Tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân đá Ninh Vân đã và đang đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm đá của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất.
Mặc dù có truyền thống, lịch sử phát triển lâu đời, có nhiều tiềm năng phát triển, tỉnh và huyện có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để làng nghề đá Ninh Vân phát triển. Để góp phần duy trì, phát triển, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm từ làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và sự cho phép của tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt đang tiến hành thực hiện dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân" dùng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ đá của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình".
Theo bà Đinh Thị ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt, dự án được thực hiện nhằm mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm, giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người thợ thủ công làm nghề đá mỹ nghệ tại địa phương. Dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 4-2013, đến tháng 1-2015 hoàn thành và đi vào khai thác. Dự án tập trung thực hiện các nội dung chính: Chuẩn bị các điều kiện đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân"; xây dựng hệ thống công cụ để quản lý nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân"; xây dựng phương án khai thác nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân"; tổ chức đánh giá tính khả thi và hiệu quả của hệ thống các phương tiện quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể trước khi áp dụng vào thực tế; hỗ trợ các hoạt động quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân".
Sau khi dự án hoàn thành và đi vào khai thác, người trực tiếp sản xuất sẽ được hưởng các lợi ích thiết thực như: Hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình từ sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường đảm bảo chất lượng; tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh thương mại do dự án xây dựng và phát triển; sử dụng logo, tem, nhãn ký hiệu sản phẩm, do dự án xây dựng nên đáp ứng yêu cầu về chất lượng và đảm bảo uy tín; được cập nhật các thông tin cần thiết về thị trường, được tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm theo kế hoạch của dự án; được pháp luật bảo vệ khi thương hiệu bị vi phạm; sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và giá bán sản phẩm sẽ tăng lên. Đối với người tiêu dùng sẽ được mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ đá mang nhãn hiệu tập thể "Ninh Vân" có chất lượng, được đảm bảo bằng các tiêu chí về chất lượng đặc thù của hệ thống quản lý.
Về mặt hiệu quả kinh tế - xã hội, sau khi kết thúc dự án, danh tiếng, uy tín của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ đá Ninh Vân sẽ được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ đá Ninh Vântrên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Nâng cao trình độ kỹ thuật, sản xuất cho các hộ gia đình sản xuất, tổ chức sản xuất, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên thị trường, quyền lợi được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, thiết lập được kênh tiêu thụ và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ đá, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực nông thôn và góp phần giảm bớt các tệ nạn xã hội trong khu vực dự án nói riêng và nông thôn nói chung.
Ngành nghề truyền thống nói chung và nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ đá truyền thống nói riêng đang thu hút một lượng lớn lao động trong khu vực nông thôn, ngoài ý nghĩa nâng cao thu nhập cho người lao động thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề là vô cùng quan trọng đối với địa phương. Kết quả của dự án sẽ trở thành kinh nghiệm cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội dựa trên ngành nghề truyền thống mang tính chất đặc thù và bản địa. Bên cạnh đó, dự án này còn giúp các địa phương, các cơ quan chức năng giải quyết các khó khăn hiện nay trong vấn đề lựa chọn hình thức, phương thức triển khai xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm.
Hồng Giang