Nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nền hành chính từng bước hiện đại đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh để hội nhập và phát triển bền vững.
Tạo điều kiện cho hội nhập và phát triển bền vững
Xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là hai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đều đưa công tác CCHC là một trong những chương trình trọng tâm với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trên cơ sở xác định được mục tiêu, các cơ quan, đơn vị đã tập trung thực hiện nhiệm vụ, góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.
Trong nhiều năm qua, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc kiểm soát, rà soát để kiến nghị, bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà. Các thủ tục hành chính được cải cách khá gọn nhẹ, tạo thuận tiện cho nhân dân, góp phần thu hút đầu tư. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã rà soát 1.344 thủ tục hành chính, phê duyệt phương án đơn giản hóa với tổng số 2.590 bước được cắt giảm trong quy trình nội bộ, rút ngắn thời gian thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính là 3.141 giờ. Nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tháng 10 năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã khai trương và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động. Đây là một trong những công trình được tỉnh chọn để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đến nay, sau hơn một năm hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận một khối lượng hồ sơ rất lớn. Riêng năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận 77.581 hồ sơ, trong đó, 71,59% hồ sơ được giải quyết trước hạn; 28,36% hồ sơ giải quyết đúng hạn; tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn chỉ còn 0,05%. Đáng chú ý, đến nay 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm (trừ các thủ tục hành chính mang tính đặc thù thuộc lĩnh vực công an) đã được số hóa, được ký số và luân chuyển giải quyết trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã khẳng định được vai trò là đầu mối triển khai và giám sát giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tỉnh, đặc biệt là tăng cường sự minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công của tỉnh. Ninh Bình là một trong những địa phương sớm triển khai hệ thống cổng dịch vụ công (một cửa điện tử) cho các cơ quan, đơn vị.
Giao dịch tại bộ phận Một cửa của thành phố Ninh Bình.
Đến nay, cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai và hoạt động hiệu quả trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống Một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và 3 đơn vị ngành dọc với tổng số 2.042 dịch vụ công (trong đó có 308 dịch vụ mức độ 3 và 1.217 dịch vụ mức độ 4). Việc đưa hệ thống một cửa điện tử vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, bước đầu hình thành nhận thức và thói quen ứng dụng CNTT trong thực hiện CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh.
Năm 2021, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 447.723 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đạt 38%). Việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến ước tiết kiệm tiền ngân sách khoảng 44,7 tỷ đồng (gồm tiền văn phòng phẩm, in ấn, đi lại...) Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đòi hỏi sự thay đổi của chính quyền trong quản lý, điều hành, do đó trong những năm gần đây, Ninh Bình đã tập trung xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Năm 2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình đã tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tăng cường cải cách tài chính công. Theo đó, số đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh cơ bản đã được thu gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Toàn tỉnh đã thu gọn 30 đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 89 đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước các cấp, đã đơn giản hóa 229 thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và công bố công khai các thủ tục hành chính. Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính và hành chính công được nâng lên. Trong 7 năm trở lại đây (từ 2015 đến nay) chỉ số CCHC của Ninh Bình luôn thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Năm 2020, chỉ số CCHC của tỉnh Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xếp thứ 4/9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng; xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả của quá trình CCHC đã tạo ra môi trường tốt để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2021 (theo giá SS 2010) đạt 7,7%. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, gấp 105 lần so với năm 1992. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 71,5 triệu đồng/năm, gấp 85 lần so với năm 1992. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Vị thế của tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng lên.