Nhằm sẻ chia khó khăn với người khuyết tật, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình hành động hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật thông qua việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật. Theo đó, tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho 13.861 người, chiếm tỷ lệ 71,4% tổng số người tàn tật. Ngoài ra, hàng nghìn lượt người khuyết tật được trợ cấp đột xuất vào các dịp lễ, Tết, đói giáp hạt…
Hàng năm, có trên 7.531 thẻ BHYT được cấp cho người khuyết tật, 11.857 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí, có 625 người khuyết tật được khám chỉnh hình và trang bị dụng cụ miễn phí mỗi năm. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức, nhà tài trợ phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật bằng nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, kinh phí địa phương và từ nguồn kinh phí của các tổ chức phi Chính phủ, các nhà hảo tâm; tổ chức tiếp nhận và cấp phát xe lăn, xe lắc, chân tay giả cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn do các tổ chức VNAH, WCDO, CRS…tài trợ.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được tỉnh ta đặc biệt coi trọng và xác định là hoạt động chủ đạo để hỗ trợ người khuyết tật có thêm cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống. Toàn tỉnh hiện có 6 trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và 28 cơ sở sản xuất dành cho người khuyết tật. Một số tổ chức kinh tế, xã hội cũng tích cực tham gia vào công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật như: Hội người mù tỉnh; Trung tâm dạy nghề, phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Thành phố Ninh Bình... Để người khuyết tật có điều kiện phát triển sản xuất, tỉnh ta còn triển khai nhiều chính sách như: cho vay vốn ưu đãi; tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở…
Những chính sách hỗ trợ thiết thực đó chính là "đòn bẩy" tích cực giúp người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc người khuyết tật vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: một số cơ chế, chính sách đối với người khuyết tật chưa đi vào cuộc sống hoặc chưa được thực hiện đầy đủ; người khuyết tật chưa được tạo điều kiện tiếp cận hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, giao thông công cộng; việc làm cho người khuyết tật hầu hết là những công việc đơn giản, thủ công, không ổn định và có tính chất thời vụ, thu nhập bấp bênh… do đó đa phần đời sống của người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, trong thời gian tới các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện cơ chế chính sách giúp đỡ người khuyết tật; đầu tư thích đáng cả tinh thần, vật chất cho trẻ em khuyết tật được học tập, hướng nghiệp. Mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội cần tiếp tục quan tâm, sẻ chia nhiều hơn nữa với người khuyết tật, cùng chung tay xây dựng môi trường thuận lợi để người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội. Đặc biệt, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cần được quan tâm hơn nữa. Bởi tạo việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trao chiếc "cần câu", giúp người khuyết tật từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là trao cho họ cơ hội để được sống, làm việc và cống hiến cho xã hội. Đó mới là sự bình đẳng mà người khuyết tật và cả cộng đồng hướng tới.
Thu Hằng