"Giáo dục như trường học, kỷ luật như quân đội"
Trung tâm nằm trên diện tích rộng gần 20 ha với chiều dài 2 km trên địa bàn thị xã Tam Điệp, trang thiết bị quản lý giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ. Trong khi đó 60-70% học viên của Trung tâm có tiền án; 30-35% số người nhiễm HIV/AIDS; phần lớn các học viên mắc các bệnh nội khoa như: lao phổi, viêm gan B…
Từ khi về nhận nhiệm vụ ở Trung tâm, Giám đốc Đào Mạnh Hùng đã đưa ra phương châm quản lý "Giáo dục như trường học, kỷ luật như quân đội". Muốn làm được điều này, Ban giám đốc cử 22 cán bộ quản lý giáo dục, hành chính đi học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ trong công tác quản lý giáo dục các đối tượng nghiện tại một số trung tâm điển hình như: Hải Phòng, Hà Nội. Rút kinh nghiệm từ thất bại do công tác quản lý trước đây, Ban giám đốc đã phân loại học viên thành 2 đội, đồng thời phân công cán bộ quản lý trực tiếp các đội, nắm bắt diễn biến tư tưởng của học viên để kịp thời uốn nắn. Hằng ngày, có nhận xét, đánh giá thông qua sổ quản lý học viên. Học viên vi phạm quy định của Trung tâm sẽ tùy theo mức độ để xử lý.
Giám đốc Hùng tâm sự: "Học viên ở Trung tâm là đối tượng đặc biệt, bị bắt buộc cai nghiện chứ không phải đối tượng chịu án nên Trung tâm không thể tổ chức quản lý theo kiểu trại giam. Những người quản lý ở Trung tâm phải thực sự nêu cao trách nhiệm và tâm huyết thì mới quản lý được người nghiện ma túy. Vì vậy, đi đôi với kỷ luật cần có giáo dục và khen thưởng". Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và tổ chức bình bầu, xét thưởng cho học viên tiến bộ được gặp gia đình 24 giờ tại Trung tâm. Đây là hình thức khen thưởng rất sáng tạo, có ý nghĩa động viên rất lớn về tinh thần cho học viên.
Mỗi tuần 1 buổi, học viên được nghe giảng về phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục nhân cách, học tập nội quy, quy chế, giờ giấc lao động, học tập, rèn luyện… qua đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ trong rèn luyện, lao động, học tập. Học viên hoạt động theo cơ chế mở, được học tập, làm việc, nghỉ ngơi với thời gian quy định.
Học viên N.T.T tâm sự: Được sinh hoạt, lao động, học tập có nền nếp, em nhận thức nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Em thấy ân hận vì mình đã đi sai đường. Em sẽ cố gắng hết sức để cai nghiện và trở về với gia đình, làm lại cuộc đời".
Gắn chữa bệnh với lao động, dạy nghề
Đối với người nghiện ma túy thì việc cắt cơn nghiện rất đơn giản, nhưng để cai nghiện thì lao động là phương pháp trị liệu tốt nhất để họ quên đi quá khứ, hòa nhập với xã hội. Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm, Giám đốc Đào Mạnh Hùng làm hướng dẫn viên "giới thiệu" lại những vùng trước đây chỉ để cho cỏ mọc, bây giờ được tận dụng trồng rau, ngô, lạc… cả Trung tâm được phủ kín màu xanh.
Năm vừa qua, Trung tâm đã cải tạo được 0,5 ha đất để trồng rau xanh theo thời vụ, thu được 8,6 tấn rau các loại, đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh cho cán bộ và học viên. Đến nay, Trung tâm đã có cả một khu vực sản xuất rộng 1 ha trồng dứa, lạc, đậu tương, sắn… Ngoài ra, Trung tâm đã cải tạo chuồng trại đầu tư chăn nuôi, đã thu trên 300 kg gà thịt, 100 kg thỏ. Hiện tại đang nuôi trên 600 con gà, 500 con ngan… cải thiện thêm đời sống cho cán bộ, học viên.
Học viên tại xưởng sản xuất đá mỹ nghệ. Ảnh: Hồng Vân
Để học viên sau thời gian 2 năm chữa bệnh, học tập tại Trung tâm ra xã hội có một nghề tạo lập cuộc sống, Ban giám đốc Trung tâm đã không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu đưa một số nghề phù hợp vào dạy. Hiện Trung tâm đã có 2 lớp dạy nghề bóc tách hạt điều cho 120 học viên và 1 xưởng sản xuất đá mỹ nghệ… vừa tạo việc làm vừa có thêm thu nhập cho học viên.
Năm 2007 có trên 70% học viên xếp loại khá, tốt, số đối tượng gây rối bỏ trốn chỉ còn gần 2%. 114 học viên hết hạn tái hòa nhập cộng đồng được giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác cai nghiện và có ý chí quyết tâm từ bỏ ma túy.
Có nên xã hội hóa công tác cai nghiện?
Tôi được nghe Giám đốc Đào Mạnh Hùng kể lại câu chuyện khi anh vào nhậm chức. Hôm đó có một bà mẹ dẫn con trai vào Trung tâm xin Ban giám đốc cho con bà được cai nghiện tự nguyện. Mặc dù anh rất mừng vì điều này chứng tỏ Trung tâm đã tạo được ít nhiều uy tín trong nhân dân, nhưng theo quy định thì hiện nay Trung tâm mới chỉ được nhận những đối tượng cai nghiện bắt buộc, vì thế không thể nhận trường hợp này. Bà mẹ buồn bã đưa con về và để lại câu hỏi làm cho anh cứ như mắc nợ "Con tôi nghiện, bây giờ tôi tìm đến Trung tâm, nhưng các anh không nhận, vậy tôi phải đến đâu ?"
Theo thiết kế ban đầu thì Trung tâm có thể nhận được từ 300 - 350 học viên, nhưng hiện tại Trung tâm mới chỉ có 242 học viên nhưng không thể nhận thêm học viên cai nghiện tự nguyện. Về lâu dài, Nhà nước chỉ có thể lo một phần kinh phí cho công tác chữa bệnh và dạy nghề cho những người cai nghiện bắt buộc. Nếu chúng ta mở rộng cai nghiện tự nguyện sẽ huy động được sức lực của nhân dân cùng với Nhà nước tiến hành xã hội hóa công tác cai nghiện. Khi có sự tham gia của nhân dân vào công tác này, gia đình có thể phát hiện con em mình từ khi chớm nghiện để đưa đi chữa bệnh.
Thực tế chứng minh, hầu hết những người không tái nghiện là những người chớm nghiện, được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Và nếu chúng ta chữa trị, phục hồi cho học viên 2 năm tại Trung tâm, nhưng khi ra xã hội không tìm được việc làm, chịu sự kỳ thị của xã hội thì khả năng tái nghiện là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó hiện nay, ngân sách tạo việc làm, dạy nghề cho đối tượng sau cai nghiện chưa cao. Kể cả những nghề đã được học trong Trung tâm cũng không có tính ứng dụng cao. Vì vậy, rất cần xã hội hóa công tác cai nghiện để Nhà nước và nhân dân cùng chung tay gánh vác trách nhiệm xã hội, mở các trung tâm dạy nghề, tạo việc làm để giúp những người một thời lầm lỗi có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tự lo cuộc sống cho bản thân. Có như vậy công tác cai nghiện mới có hiệu quả thiết thực.
Nguyễn Thơm