Những dấu hiệu khởi sắc
Theo thống kê từ ngành chức năng, từ năm 2010 đến năm 2016, thực trạng công tác XKLĐ được thể hiện qua số liệu sau: năm 2010 XKLĐ được 915 lao động, năm 2011 XKLĐ đạt 975 lao động, năm 2012 XKLĐ có chiều hướng đi xuống với 786 lao động, năm 2013 chỉ có 615 lao động đi XKLĐ; năm 2014 XKLĐ đã tăng lên 960 lao động, năm 2015 XKLĐ đạt 976 lao động và đặc biệt, đến năm 2016 con số XKLĐ lần đầu tiên cán mốc 1.000 lao động, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Theo lãnh đạo Phòng việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2016, công tác XKLĐ đạt được kết quả khả quan là do trong năm có rất nhiều cơ hội để người lao động trong tỉnh tham gia vào thị trường lao động ở nước ngoài.
Bởi lẽ, trong năm này, XKLĐ Việt Nam đặt ra chỉ tiêu là đưa 90.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 5.000 người so với năm 2015. Mục tiêu tăng là do cánh cửa XKLĐ vào một số thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Malayxia… đã được mở rộng.
Đặc biệt, đối với thị trường Hàn Quốc, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ đặc biệt về việc phải cử và tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.
Ngoài Hàn Quốc, các chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc cũng đang được triển khai tích cực. Đài Loan cũng là một trong những thị trường trọng điểm trong năm nay.
Trước nhiều cơ hội đó, tỉnh ta đã tạo điều kiện tốt nhất để những doanh nghiệp đủ điều kiện về tuyển lao động xuất khẩu tại Ninh Bình có cơ hội tiếp cận với người lao động thông qua các hội nghị XKLĐ. Tại hội nghị, các đơn vị này đã tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực XKLĐ, thông báo công khai nhu cầu tuyển, điều kiện tuyển, chi phí… giúp người lao động tìm hiểu, lựa chọn được thị trường phù hợp với nhu cầu, trình độ và năng lực tài chính của bản thân.
Trong năm 2016, có 15 doanh nghiệp đăng ký tổ chức tuyển lao động trên địa bàn đi XKLĐ. Thị trường mà các đơn vị này hướng đến nhiều nhất ngoài các nước và vùng lãnh thổ là Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia thì còn các thị trường mới hơn như: Quata, Cộng hòa Síp, Macao, ảrập Xê út…
Nhằm tạo cơ hội thoát nghèo cho nhiều lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát, tập hợp nhu cầu đi XKLĐ của người lao động để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giới thiệu những đơn vị làm công tác XKLĐ có uy tín về để tuyển dụng lao động.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh XKLĐ như: Đẩy mạnh việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ. Những Ban chỉ đạo này đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân về công tác XKLĐ.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được vay vốn có mức lãi suất ưu đãi với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người. Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai tích cực Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, những đối tượng trong độ tuổi lao động, là thân nhân gia đình chính sách, hộ nghèo hoặc cận nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, chi phí học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian học, tiền đi lại…
Tạo bước đột phá trong XKLĐ
Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết, thực tế đã chứng minh, XKLĐ không chỉ đem lại nguồn thu giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Nhiều nhà có con, em đi XKLĐ đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở gia trại, trang trại làm giàu cho gia đình. XKLĐ đã góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về kinh tế - xã hội địa phương…
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Vợi cũng thẳng thắn, mặc dù năm 2016, huyện Yên Mô có 100 lao động đi xuất khẩu, đạt 100% kế hoạch được giao, tuy nhiên con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lao động ở địa phương, nhất là khi vẫn còn tỷ lệ lớn người lao động chưa tìm ra hướng phát triển kinh tế vừa xóa đói giảm nghèo, vừa có thể vươn lên làm giàu.
Tìm hiểu nguyên nhân được biết, khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức của người lao động đối với XKLĐ còn hạn chế. Các lao động tại địa phương thường không muốn "ly hương" do tư tưởng rụt rè, ngại xa gia đình trong thời gian dài để ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, địa phương chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi thị trường lao động nước ngoài đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe về chất lượng lao động. Vì trình độ còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động nhất là thị trường lao động có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Cùng với đó, thực trạng khó tìm được việc làm với mức lương tương xứng với lao động sau khi hoàn thành thời hạn XKLĐ trở về nước cũng là một trở ngại ảnh hưởng đến công tác XKLĐ.
Theo lãnh đạo Phòng việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì mặc dù hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương trên địa bàn tỉnh, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp hay không, nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng, có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, để tham gia được vào các thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…, ngay từ vòng tuyển dụng, người lao động đã phải trải qua những bước kiểm tra tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc và ngoại ngữ rất khắt khe.
Nghĩa là ngay từ xuất phát điểm, chất lượng lao động tham gia vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã cao hơn hẳn những nước khác. Thêm vào đó, những năm tháng làm việc ở nước ngoài đã rèn luyện cho nhiều lao động Việt Nam những kỹ năng, tay nghề vững vàng, tác phong nhanh nhẹn.
Đây thực sự là nguồn nhân lực cần được khai thác. Và nếu làm tốt công tác "hậu" XKLĐ này thì sẽ tạo nên một quy trình hoàn hảo trong XKLĐ, từ đó thu hút được người lao động tham gia.
Để tạo bước phát triển đột phá đối với lĩnh vực này, các đơn vị liên quan đến công tác XKLĐ cần tăng cường quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về XKLĐ; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp XKLĐ tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
UBND các huyện, thành phố cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác XKLĐ thông qua xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; giao chỉ tiêu lao động xuất khẩu tới cấp xã, xem đây là nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền các cấp phải thực hiện.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong công tác XKLĐ…
Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị, tin rằng trong năm 2017 này, mục tiêu XKLĐ của tỉnh sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra n
Đào Hằng