Anh Lương Minh Công, chủ doanh nghiệp khai thác, chế biến đá xuất khẩu Gia Bảo (xã Ninh Vân-Hoa Lư) cho biết: Khai thác, chế tác đá là nghề sản xuất nặng nhọc nên rất cần có điện để đưa máy móc vào sản xuất và tiền điện thường chiếm 10 - 15% trong tổng chi phí sản xuất.
Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp, vì các hợp đồng bán sản phẩm đã ký kết từ cuối năm 2018. Để giữ uy tín, doanh nghiệp phải giữ giá bán đã cam kết. Giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất, do đó chúng tôi phải dùng mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, tiết kiệm điện như tận dụng ánh sáng mặt trời vào một số công đoạn để giảm tiêu hao điện chiếu sáng…
Doanh nghiệp sản xuất xi măng là một trong những đơn vị tiêu thụ điện lớn nên chịu nhiều tác động khi giá điện tăng. Theo tính toán, chi phí tiền điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất xi măng và mới đây, Tập đoàn xi măng The Vissai phát đi thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá bán đối với xi măng bao, tăng 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1/4/2019. Doanh nghiệp này viện dẫn lý do: Giá điện tăng và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng giá, nên để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá bán cũng phải tăng theo.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Ninh Bình), từ ngày 20/3 giá bán điện tăng thêm 8,36%, nghĩa là giá bán điện bình quân được điều chỉnh từ 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Toàn tỉnh có trên 18.000 công tơ khách hàng sản xuất, với mức tăng giá điện hiện hành, mỗi khách hàng phải trả thêm bình quân 12,39 triệu đồng/tháng tiền điện (với điều kiện sử dụng điện tương đương năm 2018).
Đối với sản xuất xi măng, khách phải tăng thêm thấp nhất 7,19%, trả thêm 13 triệu đồng/tháng; khách hàng sử dụng điện trả thêm cao nhất là 95 triệu đồng/tháng, tăng 8,94%. Khảo sát 40 khách hàng sử dụng nhiều điện trong sản xuất thép, xi măng cho thấy: Khách hàng trả thêm thấp nhất là 7,3%, tương đương 50 triệu đồng/tháng; khách hàng trả thêm cao nhất là 8,28%.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được điều chỉnh tương ứng làm 6 bậc như sau: Từ 0-50 kWh có giá là 1.678 đồng/kWh; từ 51-100 kWh có giá là 1.734 đồng/kWh; từ 101-200 kWh có giá là 2.014 đồng/kWh; từ 201-300 kWh có giá là 2.536 đồng/kWh; từ 301-400 kWh có giá là 2.834 đồng/kWh; từ 401 kWh trở lên có giá là 2.927 đồng/kWh.
Theo cách tính giá điện mới, khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm tối đa khoảng 7.000 đồng/tháng. Với bậc 2 dùng từ 51-100 kWh, người dùng sẽ phải trả thêm nhiều nhất 14.000 đồng mỗi tháng. Khách hàng sẽ phải trả thêm cao nhất 31.600 đồng nếu dùng từ 101-200 kWh/tháng. Đối với khách hàng dùng khoảng 400 kWh sẽ phải trả thêm 77.200 đồng/tháng. Toàn tỉnh có trên 300.000 công tơ của khách hàng dùng điện sinh hoạt.
Tuy nhiên, số lượng khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng chiếm đa số khoảng 35,6%, còn lượng hộ dùng trên 300 kWh/tháng chiếm chưa đến 15%, trên 400 kWh/tháng chỉ chiếm 7,1%. Những hộ nghèo, hộ chính sách sẽ được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp là 50.340 đồng/tháng theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (phường Ninh Khánh-thành phố Ninh Bình) cho biết: Mỗi tháng gia đình tôi trả gần 500.000 đồng tiền điện (trừ những tháng nắng, nóng cao điểm). Với giá điện mới, thì mỗi tháng sẽ tăng thêm từ 25.000-35.000 đồng. Mức tăng này với nhiều gia đình dùng điện sinh hoạt cũng không ảnh hưởng lớn và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhiều người dân lại lo lắng giá điện tăng thì chi phí sinh hoạt sẽ đội lên, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ tăng giá.
Bài, ảnh: Trường Sinh